Thông tin trên được Bộ Giao thông tổng hợp từ các hãng và nêu ra trong báo cáo trình Chính phủ mới đây.
Với tần suất khai thác lớn của chặng Việt Nam - Trung Quốc, thị trường Trung Quốc chiếm 26,1% sản lượng vận chuyển quốc tế. Do đó, việc dừng khai thác các chặng bay đến Trung Quốc khiến các hãng mất khoảng 400.000 khách một tháng. Đồng thời, doanh thu từ nguồn khách này trên các chặng nội địa cũng bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, các hãng tốn thêm nhiều chi phí vì việc hoàn trả, hủy vé cho khách đã đặt chỗ, vệ sinh phòng dịch...
Sau một tuần dừng khai thác thị trường Trung Quốc dù vẫn trong giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán (1-7/2), tổng thị trường vận chuyển hàng không Việt Nam đạt 1,95 triệu khách, giảm 4,5% so với cùng kỳ năm 2019. Sản lượng vận chuyển của các hãng hàng không Việt chỉ đạt 1,06 triệu khách (giảm 4%), trong đó vận chuyển quốc tế giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái.
Không chỉ các hãng bay, các doanh nghiệp khác trong ngành như Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và Tổng công ty Quản lý bay (VATM) cũng bị ảnh hưởng. Doanh thu của hai đơn vị này đều giảm so với kế hoạch khi hơn 640 chuyến bay thường lệ và không thường lệ giữa Việt Nam và Trung Quốc bị dừng.
Trước diễn biến dịch bệnh hiện nay, Bộ Giao thông đã đưa ra 3 kịch bản cho thị trường cho đến khi Trung Quốc hết dịch, trong đó 2 kịch bản dự kiến lượng khách giảm.
Cụ thể, nếu đến tháng 6 Trung Quốc mới công bố hết dịch, tổng thị trường hàng không đạt 74,6 triệu khách, giảm 5,7% và lượng khách qua các cảng hàng không đạt 111,6 triệu lượt giảm 4,2% so với năm ngoái. Còn đến tháng 8 mới hết dịch, thị trường dự kiến mất đến 17,2% và lượng khách qua các cảng khoảng 98,5 triệu lượt, giảm 15,5%.
Bộ Giao thông Vận tải đang rà soát, nghiên cứu để báo cáo Thủ tướng xem xét thực hiện cơ chế giảm giá đối với dịch vụ hàng không do nhà nước quản lý như điều hành bay đi/đến, cất hạ cánh.
Dịch bệnh cũng ảnh hưởng không nhỏ đến lĩnh vực đường sắt. Bộ Giao thông cho biết, doanh thu của Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội đạt 222,4 tỷ đồng dịp Tết Canh tý, chỉ bằng 89% cùng kỳ năm ngoái. Khi có thông tin về nCoV, công ty nhận 26.630 vé trả, với tổng số tiền hơn 13.000 tỷ đồng.
Do lượng khách giảm mạnh, công ty đã phải ngừng chạy một đôi tàu SP1/2 trên tuyến Hà Nội – Lào Cai từ 1/2. Công ty đường sắt Hà Nội dự kiến doanh thu tháng 2, 3 chỉ bằng 50% so với cùng kỳ năm 2019.
Giai đoạn 25/1 – 8/2, Công ty cổ phần vận tải đường sắt Sài Gòn cũng ghi nhận lượng khách giảm 37.000 lượt (tương đương hụt 17,3 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm ngoái. Đến ngày 10/2, công ty đã phải ngừng chạy 13 đôi tàu và dự kiến doanh thu tháng 2 chỉ đạt 75%.
Anh Tú