"Đây là một quyết định khó khăn nhưng nó được thực hiện theo cách để bảo vệ lợi ích quốc gia và người dân Thái Lan", Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha nói hôm 19/5, khi Thai Airways chấp thuận kế hoạch tái cơ cấu do Tòa án Phá sản Trung ương quốc gia giám sát, nhằm ngăn công ty phải giải thể, bán thanh lý hoặc chính thức tuyên bố phá sản.
Theo hồ sơ của Sở giao dịch chứng khoán Thái Lan, Thai Airways đã lỗ ròng 2,11 tỷ baht (gần 66 triệu USD) trong năm 2017, tăng vọt lên 11,6 tỷ (361 triệu USD) trong năm 2018 và 12 tỷ baht (374 triệu USD) năm ngoái. Sang đầu năm 2020, Covid-19 là giọt nước tràn ly khiến hãng rơi vào bế tắc.
Không đến mức định tuyên bố phá sản như Thai Airways nhưng các hãng bay tại Đông Nam Á cũng đã trải qua nhiều tháng chật vật vì đại dịch. Garuda Indonesia đã cho khoảng 800 nhân viên tạm nghỉ trong tháng 5. SingaporeAirlines phát hành thêm cổ phiếu và trái phiếu để huy động thêm vốn. Mới đây, Vietnam Airlines đề nghị Chính phủ cho vay tối thiểu 4.000 tỷ đồng và nhiều nhất là 12.000 tỷ đồng nhằm vượt qua khó khăn.
Tương tự, đại dịch ảnh hưởng toàn cầu nên việc nhiều hãng hàng không phải chật vật vay tiền nhằm qua cơn nguy cấp cũng đang diễn ra ở khắp mọi nơi.
Cuối tháng 5, chính phủ Đức và Lufthansa đạt được thỏa thuận sơ bộ về khoản cứu trợ trị giá 9 tỷ euro (9,8 tỷ USD) sau nhiều tuần đàm phán. Bộ Tài chính và Kinh tế Đức đánh giá Lufthansa là một công ty hoạt động lành mạnh, có lợi nhuận và có triển vọng tốt nhưng gặp rắc rối vì đại dịch.
Thỏa thuận được chốt trong bối cảnh các hãng hàng không lớn khác như Air France (Pháp), KLM (Hà Lan) hay American Airlines, United Airlines và Delta Air Lines của Mỹ cũng cầu cứu chính phủ nước họ.
Theo kế hoạch, khoản cứu trợ sẽ bao gồm 5,7 tỷ euro bơm vốn không quy đổi thành cổ phiếu, 3 tỷ euro là cho vay từ ngân hàng KfW do nhà nước hậu thuẫn và các ngân hàng tư nhân khác với thời hạn 3 năm và 2,56 tỷ euro để mua 20% cổ phần của Lufthansa.
Bộ Tài chính Đức cho biết, số cổ phần này sẽ được bán lại vào cuối năm 2023. "Khi công ty hoạt động trở lại, nhà nước sẽ bán cổ phần và hy vọng có một khoản lợi nhuận nhỏ để có thể tiếp tục đi tài trợ cho nhiều đơn vị khác bị ảnh hưởng chứ không chỉ công ty này", ông Olaf Scholz, Bộ trưởng Tài chính Đức, nêu kế hoạch.
Hôm 9/6, Chính phủ Pháp công bố một chương trình hỗ trợ tài chính khổng lồ 15 tỷ euro (gần 17 tỷ USD) cho ngành hàng không, bao gồm viện trợ cho Air France, Airbus và các nhà cung cấp phụ tùng lớn thông qua đầu tư trực tiếp của chính phủ, trợ cấp, cho vay và bảo lãnh cho vay. Chương trình còn bao gồm một quỹ đặc biệt, được tài trợ bởi chính phủ, Airbus và các nhà sản xuất lớn khác để hỗ trợ các nhà cung cấp nhỏ.
Để được hỗ trợ, các công ty phải đầu tư nhiều hơn vào máy bay phát thải thấp, chạy bằng điện, hydro và các nhiên liệu khác, theo mục tiêu của chính phủ đưa ngành hàng không Pháp trở nên "sạch" nhất thế giới.
"Chúng tôi đang tuyên bố tình trạng khẩn cấp để cứu ngành hàng không, cho phép nó cạnh tranh hơn", ông Bruno Le Maire, Bộ trưởng Tài chính nói hôm 9/6. Ngành hàng không là một trong những nhà tuyển dụng lớn nhất ở Pháp, tạo ra 300.000 việc làm trực tiếp và gián tiếp trong sản xuất, nghiên cứu và phát triển. Ông Le Maire nói một phần ba số công việc sẽ bị xóa sổ nếu chính phủ không can thiệp.
Cùng thời gian, Cathay Pacific cho biết sẽ nhận được một gói cứu trợ từ chính quyền Hong Kong giá 39 tỷ USD Hong Kong (5 tỷ USD), khi hãng hàng không phải vật lộn trước Covid-19. Theo thỏa thuận, chính quyền Hong Kong có thể lấy 6% cổ phần của Cathay và có thể cử hai quan sát viên trong hội đồng quản trị. Là một phần của kế hoạch tái cấu trúc, công ty cho biết sẽ thực hiện một đợt cắt giảm lương lãnh đạo.
Cathay đã dừng hầu hết chuyến bay do đại dịch. Hãng chỉ chở hàng hóa và cắt giảm chở khách đến các điểm đến lớn như Bắc Kinh, Los Angeles, Singapore, Sydney, Tokyo và Vancouver.
Mới hôm12/6, American Airlines cho biết sẽ dùng chương trình khách hàng thân thiết của trị giá 19,5 - 31,5 tỷ USD của hãng như một phần tài sản thế chấp để vay thêm 4,75 tỷ USD của chính phủ liên bang. American Airlines đã hụt thu 2,24 tỷ USD trong quý đầu năm và dự kiến doanh thu quý hai sẽ giảm khoảng 90%.
Giám đốc điều hành American Airlines Doug Parker đã nói rằng viện trợ của chính phủ là cách hiệu quả nhất để hãng hàng không huy động tiền, và họ sẽ xem xét các lựa chọn khác sau khi vay của chính phủ.
Trước đó, từ tháng 3, để đối phó đại dịch, Mỹ đã tung ra gói cứu trợ, dành 25 tỷ USD để các hãng hàng không vay tránh sa thải nhân sự hàng loạt. American Airlines nhận được 5,8 tỷ từ khoản này.
WSJ cho hay, các hãng hàng không khác tại Mỹ cũng đang cân nhắc việc có nên vay thêm của chính phủ hay không. Để "sinh tồn" qua mùa dịch, một số công ty đã huy động hàng tỷ USD bằng cách bán trái phiếu hoặc phát hành cổ phiếu mới.
Nhu cầu du lịch hàng không tăng 2,4% so với cùng kỳ vào tháng 1/2020, mức thấp nhất kể từ sau vụ phun trào núi lửa Eyjafjallajökull vào tháng 4/2010, dù rằng việc gián đoạn đi lại do Covid-19 chỉ bắt đầu nhen nhóm từ cuối tháng 1. Đến tháng 3, số lượng chuyến bay đã giảm mạnh, chỉ còn khoảng 280.000 chuyến trong khoảng thời gian từ 24 đến 30 tháng 3 so với khoảng 780.000 cùng kỳ năm trước.
Đến giữa tháng 4, số tàu bay không hoạt động trên thế giới đã tăng vọt lên gần 14.400 chiếc, tức hơn hai phần ba trong số 22.000 máy bay chở khách. Điều này đồng nghĩa, năng lực hành khách toàn cầu giảm 91%. Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế dự đoán sẽ có ít hơn 1,2 tỷ khách du lịch vào tháng 9/2020 so với một năm thông thường. Cùng với đó, doanh thu ngành hàng không có thể giảm 160 - 253 tỷ USD trong chín tháng đầu năm 2020.
Đầu tháng này, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) dự báo ngành hàng không toàn cầu năm nay sẽ lỗ ròng 84,3 tỷ USD, cao hơn mức lỗ 30 tỷ USD trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009, và vẫn sẽ lỗ trong năm 2021. Cũng theo IATA, du lịch hàng không đường dài sẽ chỉ trở lại mức 2019 vào năm 2024.
Hội đồng Sân bay Quốc tế thì ước tính lượng hành khách hàng không sẽ giảm 4,6 tỷ lượt vào năm 2020, từ mức 9,1 tỷ vào năm 2019. Boeing đánh giá, lưu lượng hành khách sẽ phục hồi được mức của năm 2019 trong hai đến ba năm tới.
"Bạn đã thấy sự sụp đổ của du lịch hàng không khoảng 98,99% trên toàn cầu và đó là một tình huống tồi tệ. Vì vậy, các hãng hàng không thực sự đang ở chế độ sinh tồn", Greg Waldron, Tổng biên tập châu Á của ấn phẩm FlightGlobal bình luận vào trung tuần tháng 5/2020. Tuy nhiên, theo vị chuyên gia, các hãng hàng không lớn, được sự hậu thuẫn của nhà nước vẫn còn có cơ hội tốt hơn để vượt qua đại dịch so với các hãng hạng hai.
Phiên An (tổng hợp)