Trao đổi với VnExpress, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Tiến Sâm cho biết Bộ không hạn chế các hãng giá rẻ bay vào VN. Với trường hợp này, Cục hàng không dân dụng VN sẽ xem xét lưu lượng trao đổi về tải giữa VN và Malaysia, cụ thể là các chuyến bay hiện có của Malaysia Airlines và Vietnam Airlines trên đường bay này. Ngoài ra cơ quan quản lý cũng làm việc với Cụm Cảng hàng không miền Nam và miền Bắc để xem xét về điều kiện cầu cảng. Theo quy định, nếu hồ sơ của hãng hợp lệ và các điều kiện khác đều đáp ứng được, chỉ sau 30 ngày họ sẽ nhận được giấy phép bay đến VN.
VN mới chỉ có các hãng hàng không truyền thống. Ảnh: A.T. |
Nhận xét về điều kiện cầu cảng của VN hiện nay, ông Sâm cho hay nhà ga Nội Bài còn chỗ song nhà ga Tân Sơn Nhất hiện đang quá tải, lưu lượng khách tới 8 triệu người/năm, trong khi dự kiến chỉ đón khoảng 6 triệu. Có khả năng khi nhà ga mới hoàn thành vào đầu năm 2007 Air Asia mới có cơ hội bay từ Malaysia đến TP HCM.
Trong khi người mới rốt ráo xin bay vào VN, các hãng đến trước cũng không bỏ lỡ cơ hội khai thác bằng cách xin tăng thêm tần suất bay. Khi mới vào VN hồi tháng 4/2005, Tiger Airways (Singapore) chỉ bay 7 chuyến/tuần, nay đã tăng lên 13 chuyến và sẽ tiếp tục tăng lên 15 chuyến từ 25/3 này. Trong số đó bay từ Hà Nội có 4 chuyến, Đà Nẵng có 3 chuyến và TP HCM 8 chuyến. Tuy Cục hàng không dân dụng cho hay đã hết giờ đẹp, hãng này vẫn tỏ ra tin tưởng dù bay vào giờ nào cũng kéo được khách.
Cũng có kế hoạch tăng thêm 2 chuyến lên 9 chuyến mỗi tuần từ 1/4 này, Thai Air Asia (công ty con của Malaysia Air Asia ở Thái Lan) còn chạy đôn đáo để xin mở thêm đường bay TP HCM - Bangkok song chưa được chấp nhận. Thứ trưởng Sâm cho hay các hãng của Thái Lan bay vào VN quá nhiều, do đó khả năng cấp phép sẽ khó khăn hơn.
Theo nhận xét của Cục hàng không dân dụng VN, cho dù còn điều tiếng về cách làm ăn như quảng cáo mập mờ, đi lại lộn xộn song không thể phủ nhận một thực tế hàng không giá rẻ đã dần trở nên quen thuộc với hành khách VN và thị trường này đang giúp họ hốt bạc. Ngoài Malaysia Air Asia còn 2 hãng hàng không giá rẻ khác đánh tiếng xin bay vào VN dù chưa chính thức nộp đơn.
Về phần mình, cho đến thời điểm này ngành hàng không VN chưa hề có ý định triển khai dịch vụ bay giá rẻ. Trước đây khi còn sở hữu 80% cổ phần của Pacific Airlines, Vietnam Airlines dự tính xây dựng người anh em thành hãng hàng không giá rẻ. Từ sau khi Bộ Tài chính nắm quyền sở hữu Pacific Airlines, đề án này hoàn toàn bị xóa sổ. Sau sự kiện trên, Công ty Bay dịch vụ VASCO được hy vọng có thể phát triển thành hãng hàng không thứ ba khai thác thị trường giá rẻ của VN song cam kết giữa Bộ Tài chính với đối tác Singapore trong việc tái cơ cấu Pacific Airlines khiến kế hoạch này lại dang dở.
Trong một lần trao đổi với báo chí gần đây, Tổng giám đốc VNA Nguyễn Xuân Hiển cho rằng sớm nhất cũng phải sau năm 2008, VN mới có dịch vụ hàng không giá rẻ.
Theo nhận xét của một chuyên gia trong ngành hàng không, đến thời điểm ấy do đặc quyền khai thác đường bay nội địa dành cho các hãng trong nước, hàng không giá rẻ của VN có thể tồn tại được. Còn trên các đường bay quốc tế, trong hoàn cảnh phải thuê máy bay giá đắt (dự kiến gấp đôi so với hiện nay), thuê phi công, nhập xăng dầu thì VN khó có thể cạnh tranh. Hiện các đường bay ở châu Á đang có sự cạnh tranh quyết liệt giữa các hãng giá rẻ, đơn cử như chặng Singapore - Bangkok, Thai Air Asia phải chia sẻ thị phần với hàng chục đối thủ còn châu Âu thì ngay cả Vietnam Airlines cũng đang gặp khó khăn khi đàm phán mở thêm đường bay.
Thứ trưởng Nguyễn Tiến Sâm cho hay tuy VN và EU ký Hiệp định hàng không nhưng đó chỉ là hiệp định khung. Vietnam Airlines đàm phán với các thành viên EU vẫn phải có các điều kiện cụ thể của từng nước rất khắt khe. |
Phong Lan