Việc Liên minh châu Âu (EU) đình chỉ hoạt động của hãng Hàng không Quốc tế Pakistan (PIA) tại các quốc gia thành viên của khối ít nhất 6 tháng, bắt đầu từ ngày 1/7, là đòn giáng mới nhất vào hãng này sau hàng loạt bê bối về tài chính và hiệu quả hoạt động.
Trước vụ tai nạn máy bay hôm 22/5 và cuộc điều tra sau đó phanh phui việc nhiều phi công nhờ người thi hộ bằng lái, PIA đã là một hãng bay đầy tai tiếng với bộ máy nhân sự cồng kềnh, quy trình kiểm soát chất lượng lỏng lẻo. Ban lãnh đạo của hãng cũng thường xuyên thay đổi do những cáo buộc tham nhũng hoặc được bổ nhiệm một cách thiếu thuyết phục.
![Một máy bay của PIA chuẩn bị hạ cánh xuống sân bay Islamabad, Pakistan, hồi tháng 2/2007. Ảnh: Reuters.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2020/07/02/tai-xuong-8581-1593687112.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=rdlaTZ4OfxzL1YxWKOqNhg)
Một máy bay của PIA chuẩn bị hạ cánh xuống sân bay Islamabad, Pakistan, hồi tháng 2/2007. Ảnh: Reuters.
Hồi năm 2018, Tòa án Tối cao Pakistan bãi nhiệm Musharraf Rasool khỏi vị trí giám đốc điều hành PIA do không đáp ứng tiêu chuẩn của công việc, thiếu kinh nghiệm trong ngành hàng không. Bernd Hildenbrand, người thay thế Rasool, cũng bị sa thải vì lý do tương tự cùng cáo buộc tham nhũng.
Arshad Malik, giám đốc điều hành hiện nay của PIA, từng là tướng không quân Pakistan. Ông bắt đầu dẫn dắt hãng hàng không từ năm 2018, với kỳ vọng hồi sinh và khắc phục những thiếu sót. Tuy nhiên, Tòa án Tối cao Pakistan gần đây lại nghi ngờ tính hợp pháp của quyết định bổ nhiệm Malik, dù ông vẫn được tiếp tục công tác.
Bất chấp những nỗ lực không ngừng nhằm vực dậy PIA, giới chức Pakistan cho biết hãng này hiện vẫn lỗ khoảng 6 tỷ rupee (36 triệu USD) mỗi tháng, ví tình hình tài chính của họ như "hố không đáy". Các nhà phê bình nói nhiều phi công của PIA thậm chí chống lại những nỗ lực cải tổ quy tắc làm việc.
Phát biểu trước quốc hội Pakistan hôm 24/6, Bộ trưởng Hàng không Dân dụng Ghulam Sarwar Khan cho biết trên chuyến bay mang số hiệu PK 8303 của PIA hôm 22/5, "cơ trưởng và cơ phó đều không tập trung, mải mê tán gẫu với chủ đề xuyên suốt là về nCoV". Chiếc Airbus A320 cuối cùng lao vào khu dân cư ở thành phố Karachi và phát nổ, khiến 97 người thiệt mạng.
Bộ trưởng Khan tiết lộ thêm rằng 262 trong tổng số 860 phi công làm việc cho các hãng hàng không Pakistan thuê người thi hộ bằng lái máy bay và không đủ năng lực. Theo báo cáo của ông, PIA tuyển dụng 141 phi công dùng bằng giả, chiếm 1/3 số phi công của hãng.
Hệ thống sát hạch cấp giấy phép hành nghề phi công của Pakistan được thay đổi hồi năm 2012 và bị cáo buộc không tuân thủ các tiêu chuẩn quản lý. Quy trình mới chỉ yêu cầu ứng viên thực hiện một số bài kiểm tra lý thuyết. Nhiều phi công được cho là đã tìm cách "lách luật" bằng cách gian lận, hoặc thuê người khác thi hộ.
Bê bối bằng giả khiến nhiều hãng hàng không trên thế giới phải đình chỉ phi công, kỹ sư và nhân viên mặt đất đến từ Pakistan. Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng hôm 27/6 cho biết 27 phi công Pakistan tại Việt Nam đã ngừng bay. Cục cũng yêu cầu các phi công này báo cáo quá trình nhận bằng và sẽ làm việc với giới chức Pakistan để xác định họ có dùng bằng giả không.
Bản thân các phi công Pakistan cũng cảm thấy bất bình. Năm ngoái, một số người làm việc cho PIA cáo buộc hãng hàng không này vi phạm các quy tắc an toàn, khiến phi công đối mặt nguy cơ gặp rủi ro. Họ cho biết các phi công phải làm việc quá sức, thiếu ngủ và mệt mỏi, bởi cách sắp xếp lịch bay thiếu khoa học.
Hamood Alam, cựu nhân viên PIA giờ đây làm việc cho một hãng hàng không khác ở Trung Đông, cho biết ông chưa bao giờ cảm thấy "xấu hổ, nhục nhã và tức giận" nhiều đến vậy. Alam tiết lộ việc nhiều phi công của PIA, cũng như các hãng hàng không nội địa Pakistan, không tuân thủ quy trình và nguyên tắc hoạt động không phải điều bất ngờ.
"Ngay cả những phi công đủ năng lực cũng không tuân thủ quy trình thao tác. Tuy nhiên, công chúng chỉ biết tới tình trạng này khi nó để lại hậu quả là một vụ tai nạn thương tâm. Thật kỳ diệu khi chúng tôi không có nhiều sự cố hơn", Alam nói, đề cập tới vụ rơi máy bay hồi tháng 5.
![Hiện trường vụ rơi máy bay tại thành phố Karachi, Pakistan, hôm 22/5. Ảnh: Reuters.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2020/07/02/aviakatastrofa-mesto-padeniya-8199-1999-1593687112.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=J_87vJiTpsc0u1GJtSYg3g)
Hiện trường vụ rơi máy bay tại thành phố Karachi, Pakistan, hôm 22/5. Ảnh: Reuters.
Cựu nhân viên PIA đánh giá tai nạn bắt nguồn từ "một vấn đề bám rễ trong xã hội, do giới tinh hoa cùng những người nắm quyền hoàn toàn tin tưởng rằng họ có thể thoát khỏi bất cứ rắc rối nào, và mọi quy tắc là để người khác tuân theo".
Ông chỉ ra rằng trên chuyến bay PK 8303, hai phi công đã trò chuyện về một chủ đề ngoài lề, trong khi theo quy tắc, khi phi cơ ở dưới độ cao 3.048 m, các thành viên phi hành đoàn không được trao đổi bất cứ điều gì với nhau hoặc với đài kiểm soát không lưu, trừ thông tin liên quan đến chuyến bay.
Phe đối lập và giới phê bình đã chỉ trích chính phủ của Thủ tướng Imran Khan xử lý khủng hoảng một cách thiếu khôn ngoan và làm bẽ mặt Pakistan. Bilawal Bhutto Zardari, chủ tịch Đảng Nhân dân Pakistan đối lập, cho rằng chính phủ đẩy trách nhiệm cho các phi công vì "sự bất tài của chính họ".
"Những tuyên bố của chính phủ rất có thể không đúng sự thật và Bộ trưởng Hàng không đáng lẽ cũng không nên công khai như vậy. Phát ngôn của ông ấy đã gây bối rối cho quốc tế và khiến hàng trăm người có nguy cơ mất việc", Zardari nêu ý kiến, nói thêm rằng Bộ trưởng Khan nên từ chức.
Ánh Ngọc (Theo NY Times)