Indochina Airlines sẽ có khoảng 7-10 loại giá vé khác nhau cho các chuyến bay nội địa. Tuy nhiên, mức vé cụ thể cho các chặng bay chưa được công bố.
Vé được bán trên hai kênh gồm website của hãng và các địa lý bán vé máy bay trên toàn quốc. Indochina Airlines đã mở các phòng vé tại 63 Lý Thường Kiệt, Hà Nội, 61 Nguyễn Văn Linh, Đà Nẵng và dự định sẽ mở phòng vé tại TP HCM trong tòa nhà đối diện với sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.
Tổng giám đốc Hà Dũng cho biết, mục tiêu đúng giờ và giá vé cạnh tranh được đặt lên hàng đầu. Hãng đã đàm phán thuê trọn gói toàn bộ máy bay và đội ngũ phục vụ mặt đất để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu bay. Ngoài ra, hãng còn đặt máy bay dự phòng trong tình huống xấu nhất để đảm bảo hạn chế tối đa tình trạng chậm hủy chuyến.
Trong giai đoạn đầu, công ty sẽ sử dụng 2 máy bay Boeing B737-800 để bay mỗi ngày 4 chuyến TP HCM - Hà Nội và 2 chuyến TP HCM - Đà Nẵng mỗi ngày. Các máy bay này sẽ có 12 ghế hạng thương gia và 162 ghế hạng phổ thông.
Trước đó, đội ngũ tiếp viên của Indochina Airlines đã hoàn tất các khóa đào tạo, và họ sẽ phục vụ trên các chuyến bay nội địa do các phi công nước ngoài đảm trách.
Indochina Airlines cũng sẽ khai thác các đường bay từ TP HCM và Hà Nội đến các điểm du lịch như Huế, Nha Trang và Đà Lạt trong 2 năm đầu trước khi khai thác các đường bay đến các nước trong khu vực.
Hãng hàng không Indochina trước đây là Air Speed Up (Tăng Tốc) được cấp giấy phép từ tháng 5/2007. Phương án kinh doanh đã xây dựng, kế hoạch khai thác đường bay cũng được đặt ra, đến khi đăng ký thương hiệu ông chủ hãng này mới giật mình vì cái tên "Tăng Tốc" nếu chuyển đổi sang cách viết của tiếng Anh thì biến thành "Tang Toc" và mỗi người nhìn vào đều có thể suy luận thành "Tang Tóc".
Hồi đầu tháng 10, ông chủ Hà Dũng có đơn lên Cục Hàng không VN để xin được đổi tên Speed Up thành Indochina Airlines.
Hồng Anh