Các đối tác cung cấp dịch vụ như Tổng công ty Cảng miền Bắc, miền Nam, miền Trung, Tổng công ty đảm bảo bay, suất ăn đã có văn bản báo cáo các khoản nợ trên, đồng thời bày tỏ các quan ngại đối với tình trạng tài chính của Indochina Airlines. Trong đó, đối tác mà Indochina Airlines nợ nhiều nhất hiện nay là Công ty Xăng dầu Hàng không - Vinapco.
Phòng bán vé của Indochina Airlines. Ảnh: IDC. |
Ông Nguyễn Hữu Phúc - Giám đốc Vinapco cho biết số tiền mà Indochina Airlines nợ quá hạn với công ty vào khoảng trên 20 tỷ đồng. Đây là tiền nhiên liệu bay mà Vinapco đã cung cấp cho hãng từ cách đây nhiều tháng và chưa có dấu hiệu cho thấy Indochina Airlines sẽ hoàn trả. "Quan điểm của chúng tôi là tạo mọi điều kiện để Indochina Airlines tiếp tục cất cánh. Còn theo đúng quy định, Vinapco hoàn toàn có quyền khởi kiện hãng ra tòa nếu Indochina Airlines không trả hết nợ", ông Phúc nói.
Trưởng ban Vận tải Hàng không, Cục Hàng không VN - Võ Huy Cường cho hay phía các tối tác của Indochina Airlines đã báo Cục số tiền mà hãng còn nợ vào khoảng trên 30 tỷ đồng. Quan điểm của Bộ Giao thông Vận tải cũng rất rõ ràng rằng trong trường hợp Indochina Airlines không có khả năng trả nợ, các đối tác hoàn toàn có quyền xử lý trên cơ sở các thỏa thuận tại hợp đồng.
Đối với quyền lợi của các khách hàng mua vé mà chưa được bay, Cục Hàng không VN đã yêu cầu Indochina Airlines phải có trách nhiệm đảm bảo quyền lợi. Đồng thời, hãng phải công bố đường dây nóng của công ty để tiện cho khách tới trả vé và nhận tiền bồi hoàn.
Ông Cường cho hay trong báo cáo gửi Cục Hàng không VN, Indochina Airlines vẫn thể hiện quyết tâm bay nên quan điểm của nhà chức trách là tạo điều kiện hết sức để hãng có thể tiếp tục đảm bảo kế hoạch kinh doanh. Đây cũng chính là lý do cơ quan này chưa đề xuất thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải hàng không trước thời hạn mà chỉ thu hồi lịch bay và quyền vận chuyển.
Theo ông Cường, trong lĩnh vực hàng không, Indochina Airlines là một trường hợp hy hữu, được cấp phép, đã bay nhưng lại gặp khó khăn và lâm vào cảnh nợ nần, khó cất cánh trở lại.
Còn giới chuyên gia hàng không thì nhận định khi mở cửa cho phép tư nhân được kinh doanh vận chuyển hàng không để tạo lập một thị trường cạnh tranh, bên cạnh điều kiện bảo đảm an toàn bay, cơ quan quản lý rất coi trọng các yêu cầu về tài chính, kỹ thuật, an toàn bay bởi đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Có ít nhất 4 hãng hàng không được cấp giấy phép thành lập nhưng mới có Indochina Airlines khởi động. Hai hãng tư nhân khác đã được cấp giấy phép nhưng chưa biết thời điểm cất cánh là Vietjet Air và Mekong Air.
Hồng Anh