Quầy nước mắm Diêu Điền số 74, bán mỹ phẩm giả. |
"Gian hàng" trên thực chất chỉ là những mẹt mỹ phẩm được bán theo mớ với giá 5.000-30.000 đồng/sản phẩm. Những hàng ở gian này đều mang thương hiệu nổi tiếng của các hãng mỹ phẩm Shiseido (Nhật Bản) hay của Lancome (Pháp)... nhưng lại được bán kèm trong gian hàng nước mắm Diêm Điền (Thái Bình), gian số 74. Ai đó nói đùa: "Người vào mua nước mắm có thể tiện thể mua ít son, phấn, bút kẻ mắt... Hàn Quốc, Pháp với giá rẻ bất ngờ". Vậy mà hàng ở đây bán rất chạy: chỉ sau lúc khai mạc một giờ đồng hồ, đã bán được vài chục sản phẩm. Lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra và xử lý toàn bộ số hàng giả trên. Ban tổ chức Hội chợ cũng đã công nhận thiếu sót trong khâu quản lý đăng ký sản phẩm bán tại đây.
Hội chợ hàng tiêu dùng được tổ chức hàng năm tại Hà Nội với mục tiêu "vì chất lượng cuộc sống, vì lợi ích của người tiêu dùng và quyền lợi của nhà sản xuất kinh doanh chân chính", trong 8 ngày (từ 19 đến 26/4). Năm nay Hội chợ thu hút gần 100 doanh nghiệp lớn trưng bày, quảng bá các thương hiệu hàng hóa đang được người tiêu dùng ưa thích như may mặc, giầy da, thực phẩm, điện cơ, kim khí...
Ngoài các gian hàng bày và bán sản phẩm, Hội chợ còn có gian trưng bày "Hàng thật hàng giả" của Ban tổ chức do Cục Quản lý thị trường (Bộ Thương mại) và Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, Cục Quản lý chất lượng vệ sinh thủy sản (Bộ Thủy sản) chủ trì, qua đó Ban tổ chức giúp người tiêu dùng so sánh giữa hàng thật và hàng giả, lựa chọn được những sản phẩm chất lượng cao.
Cắt băng khai mạc Hội chợ Hàng tiêu dùng vì chất lượng cuộc sống. |
Người xem được chứng kiến những loại hàng giả mà Cục Quản lý thị trường đã bắt được trong thời gian gần đây, gồm các loại rượu của Công ty Rượu Hà Nội và của các hãng rượu nước ngoài nổi tiếng như Hennessy, Bordeaux; các loại mỹ phẩm, dầu gội đầu, chăn đệm, đồ điện gia đình... Khách cũng được nhân viên các công ty và cán bộ của Cục Quản lý thị trường hướng dẫn cách phân biệt hàng thật hàng giả.
Dầu gội đầu Pantene giả có chữ Pantene in mảnh, chữ P thấp hơn các chữ còn lại, chữ giới thiệu dầu được đánh cẩu thả, sai chính tả, dấu đặt sai vị trí, phần hướng dẫn sử dụng có chữ in không đều. Máy tính điện tử Casio cũng có cả bản hướng dẫn với người tiêu dùng, khi mua máy tính Casio cần chú ý không nên mua những kiểu có mã số sau: DS200L, DJ1200, DN320L, DF160H, DN1200H, DM1800, GS123H, JS380, JS300L, JS480, J1200LA, MS108, MS680V, M808V, MC100, MS810L, MC600, MS818, MS2600H, MS908V, MS203, MS12H, FX2300, FX2600, CA100, CA888, KC888, SL820LC... Chúng hoàn toàn là giả vì công ty Casio không sản xuất các mặt hàng này. Công ty Rượu Hà Nội cũng đã cử người trực tiếp đứng tại gian hàng để hướng dẫn khách chọn hàng thật. Rượu giả có kiểu dáng màu sắc giống hệt rượu thật, chỉ khác là ở nút chai có biểu tượng chùa một cột hoặc ly rượu, phía trong biểu tượng không có chữ HALICO như rượu thật, địa chỉ trên mác cũng không phải Công ty Rượu Hà Nội... Ngoài ra, nhiều sản phẩm nhái theo bia Hà Nội, máy xe Honda, các loại giấy vệ sinh... cũng được đưa ra để giúp người tiêu dùng phân biệt.
Hội chợ còn có gian hàng giới thiệu giải pháp chống hàng giả. Đó là phần trưng bày của Công ty liên doanh Nam Liên, doanh nghệp duy nhất được Nhà nước cho phép đầu tư ứng dụng công nghệ ép khuôn laser trong lĩnh vực sản xuất tem nổi - Hologram. Đặc trưng của tem là không gian ba chiều, được tạo bởi ánh sáng của tổ hợp máy laser hiện đại, màu sắc phản quang rực rỡ biến đổi 7 màu theo từng góc độ quan sát, không thể sao chép dưới bất kỳ hình thức nào, khi bị bóc khỏi sản phẩm sẽ không thể sử dụng lại. Đây là một trong những giải pháp tối ưu chống hàng giả.
Trong thời gian diễn ra Hội chợ, sẽ có ba cuộc hội thảo: "Các biện pháp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng" (20/4), "Thực phẩm an toàn và sức khỏe của mọi người trong thiên niên kỷ mới" (21/4) và "Chống hàng giả, thực trạng và giải pháp" (24/4).
Bài: Anh Tuấn
Ảnh: Xuân Thu