Gia đình bà Hoa tiếp xúc với F0 hôm 9/12, về nhà ho, sốt, sổ mũi, ba ngày sau cả hai test nhanh dương tính. Bà thông báo với y tế phường, được hướng dẫn tự cách ly tại nhà. Ngày 15/12, cấp cứu 115 đưa hai vợ chồng đi cách ly tại cơ sở cách ly quận Thanh Xuân.
Chị Lan, con gái bà Hoa, cho biết bố mẹ vào khu cách ly không được cấp phát thuốc mà chỉ theo dõi sức khỏe thông thường mỗi ngày. May thay, chị đã nghĩ đến tình huống này nên chuẩn bị trước một số loại thuốc như hạ sốt, vitamin... cho bố mẹ mang theo đề phòng. "Mình thấy thông báo F0 được phát túi thuốc A tại nhà nhưng bố mẹ vào viện cũng không có thuốc gì. Hy vọng F0 sớm được phát thuốc, nhất là thuốc kháng virus để chăm sóc sức khỏe tại nhà, phòng trường hợp quá tải không được vào viện", chị Lan nói.
Anh Huy, tổ trưởng tổ Covid-19 một chung cư ở khu vực Nam Từ Liêm, cho biết F0 có triệu chứng gì thì tự uống thuốc chứ không nhận được thuốc từ y tế. Hiện, thuốc có vitamin C, oresol, kháng sinh... đều do người dân tự chuẩn bị. Trong quá trình cách ly, F0 nào bị sốt thì uống hạ sốt, bị ho thì uống thuốc ho, viêm họng uống kháng sinh. Cả chung cư hiện có 9 F0, sức khỏe đều ổn định.
Anh Duy, ở Trung Phụng, Đống Đa cũng không liên hệ được y tế phường. Gia đình anh có 5 F0 song không được cấp phát thuốc. Hơn 10 ngày tự cách ly tại nhà, anh test kết quả âm tính, chủ yếu là tự bổ sung dinh dưỡng và giữ tinh thần thoải mái.
Theo Sở Y tế, đến 16/12, thành phố có 10.828 ca bệnh đang được điều trị, trong đó 1.865 người đang cách ly điều trị tại nhà. Ông Vũ Cao Cương (Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội), cho biết việc cấp thuốc cho các trường hợp mắc và được theo dõi quản lý tại nhà là do Trạm Y tế xã phường thị trấn hoặc có thể do Tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm Covid-19 tại nhà (do chính quyền địa phương thành lập) cấp phát. Hiện nay các thuốc trên không phải trả phí nhưng việc cấp phát thuốc phải đúng theo quy định như trên, người bệnh có thể liên hệ với Trạm Y tế để được hướng dẫn cụ thể.
Tuy nhiên, thực tế nhiều F0 điều trị tại nhà không nhận được thuốc, kể cả F0 điều trị trong khu cách ly. Một số liên hệ với y tế phường để hỗ trợ và hướng dẫn cách ly nhưng không có phản hồi. Có gia đình đăng đơn "cầu cứu" trên mạng xã hội vì lo lắng sức khỏe gia đình.
Ông Khổng Minh Tuấn (Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội), nhìn nhận do F0 tăng nhanh, nhiều xã, phường đang thiếu nhân lực y tế, cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế thiếu thốn, xuống cấp. "Các lực lượng y tế đang tập trung xử lý khối lượng công việc lớn nên đôi khi chậm trễ việc liên hệ F0 và cấp phát thuốc", ông Tuấn nói.
Quận Hoàng Mai, một trong những địa bàn có số F0 cao nhất tại Hà Nội hiện nay, cũng là một trong những quận có số F0 tại nhà cao. Từ ngày 11/10 đến hết ngày 17/12, quận ghi nhận 1.652 ca. Ông Lê Đức Thọ (Giám đốc Trung tâm Y tế quận) cho biết quận có gần 400 F0 đã, đang điều trị tại nhà. Khi ghi nhận ca dương tính, y tế cơ sở phân loại F0 theo hướng dẫn của Bộ Y tế, trong đó những trường hợp từ 3 tuổi đến dưới 50 tuổi, sức khỏe tốt, không có bệnh nền (xếp ở tầng 1 trong tháp điều trị) được cách ly tại nhà. Cán bộ y tế hướng dẫn F0 cách theo dõi, bảo vệ sức khỏe, cách sử dụng thuốc và các biện pháp tránh lây lan dịch ra cộng đồng.
Đại diện Trạm Y tế phường Định Công, quận Hoàng Mai, cho biết F0 tại nhà được cấp phát gói thuốc A (vitamin, thuốc hạ sốt), kết nối mạng để báo cáo tình hình sức khỏe, nhiệt độ, chỉ số oxy trong máu SpO2, triệu chứng.... một ngày hai lần. Điện thoại của nhân viên trạm y tế mở 24/24 để đáp ứng các yêu cầu hỗ trợ từ bệnh nhân. Tuy nhiên cả đại diện trung tâm y tế và trạm y tế đều không cho biết rõ số túi thuốc đã triển khai đến các F0.
Hầu hết y tế cơ sở phường, quận huyện đều cho rằng số F0 trên địa bàn ít và đều được phát đầy đủ thuốc theo quy định. Ông Trương Kỳ Phong (Giám đốc Trung tâm Y tế quận Hà Đông) cho biết quận đang điều trị tại nhà cho khoảng 12 F0 nhẹ, hầu hết không triệu chứng. Các F0 được phát túi thuốc A, do trung tâm y tế chuẩn bị, như vitamin, thuốc bổ, thuốc hạ sốt, tăng đề kháng...
Đến nay Sở Y tế Hà Nội cũng chỉ mới cấp phát 6.000 túi thuốc A (bao gồm thuốc hạ sốt và thuốc nâng cao thể trạng) cho 30 quận/huyện/thị xã, mỗi nơi 200 túi để điều trị và chăm sóc F0 tại nhà. Thuốc kháng virus molnupiravir (túi thuốc C) hai ngày trước được Hà Nội lên kế hoạch cấp phát có kiểm soát cho F0 nhẹ tại cộng đồng, bệnh viện, trạm y tế cố định và lưu động, cơ sở thu dung. Song đến nay, chưa rõ số lượng thuốc và thời gian được cấp phát đợt này. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, thuốc molnupiravir nên uống ngay khi có triệu chứng, uống sớm thì hiệu quả giảm tải lượng virus càng cao. Đây là thuốc đang trong giai đoạn thử nghiệm, chưa được cấp phép lưu hành trên thị trường và được phát miễn phí. Bộ Y tế ngày 18/12 cho biết đã phát 300.000 liều molnupiravir ở hơn 40 tỉnh thành, kể từ khi thử nghiệm thuốc đến nay (khoảng 5 tháng).
Sở Y tế Hà Nội cũng chưa triển khai cấp phát túi thuốc B. Đây là gói thuốc kháng viêm kháng đông, chỉ dùng khi có chỉ định của nhân viên y tế khi F0 trở nặng, và dùng một liều duy nhất trước khi chuyển đi bệnh viện. Thời gian qua khi bùng phát dịch, TP HCM và các tỉnh phía Nam cấp phát túi thuốc B hơi sớm, dẫn đến nhiều người dùng sớm, dùng sai chỉ định, khiến bệnh nặng hơn. Tháng 11, Bộ Y tế hướng dẫn lại cách dùng thuốc B, chỉ cấp một liều duy nhất và uống trước khi vào viện.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo F0 tại nhà không nên lạm dụng thuốc nếu không có chỉ định. Đã có nhiều trường hợp dùng sai thuốc, quá liều thuốc gây ngộ độc, nhất là với thuốc hạ sốt paracetamol, thuốc kháng đông kháng viêm chứa corticoid... Với paracetamol, nếu không có triệu chứng sốt thì không nên uống. Thuốc chứa thành phần paracetamol có nhiều nhãn hiệu khác nhau, như Panadol, Efferagant, Tylenol... đều có tác dụng hạ sốt. Do đó, chỉ nên uống một loại, cách nhau 4-6 giờ, ví dụ đã uống Panadol thì không uống Tylenol nữa, vì quá liều. Nhóm thuốc kháng viêm và chống đông (túi B) cũng vậy, không dùng khi chưa có biểu hiện suy hô hấp.
Theo Sở Y tế, ngoài số bệnh nhân điều trị tại nhà, Hà Nội còn 2.271 F0 điều trị tại 31 bệnh viện; 4 cơ sở thu dung và các trạm y tế lưu động điều trị tổng cộng 6.692 bệnh nhân.
* Tên nhân vật được thay đổi
Thúy Quỳnh - Thùy An