Biểu tình ủng hộ người Palestine diễn ra tại các thành phố Mỹ gồm New York, Boston, Washington, Dearborn, Las Vegas và Los Angeles. Khoảng hai nghìn người xuất hiện ở khu vực Bay Ridge, Brooklyn, New York, hô "Palestine tự do" và "Từ sông ra biển, Palestine sẽ được tự do", ngụ ý từ sông Jordan đến biển Địa Trung Hải.
Họ vẫy cờ Palestine và cầm các biểu ngữ có nội dung "Chấm dứt chế độ phân biệt chủng tộc Israel" và "Tự do cho Gaza". Nhiều người biểu tình đeo khăn quàng cổ màu đen trắng, hoặc đỏ trắng theo màu cờ Palestine, trong khi tài xế bấm còi ô tô và người đi xe máy rồ ga.
Một số người Do Thái tham dự tuần hành, mang theo các tấm biểu ngữ "Không nhân danh tôi" và "Đoàn kết với Palestine" khi người biểu tình tràn vào con phố trong khu vực có đông người Arab. Vài chục cảnh sát giám sát cuộc biểu tình ôn hòa.
"Tôi tham gia vì muốn cuộc sống của người Palestine bình đẳng với cuộc sống người Israel, nhưng ngày nay thì không như vậy", Emraan Khan, 35 tuổi, đến từ Manhattan, nói khi vẫy cờ Palestine. "Giữa một quốc gia được trang bị vũ khí hạt nhân và một quốc gia chỉ có những ngôi làng với sỏi đá, đã quá rõ ràng chuyện bên nào phải chịu trách nhiệm".
Alison Zambrano, sinh viên 20 tuổi, đến từ bang Connecticut lân cận để tham gia tuần hành. "Người Palestine có quyền sống tự do và trẻ em ở Gaza không nên bị sát hại", cô nói.
Mashhour Ahmad, 73 tuổi, một người Palestine sống ở New York 50 năm, nói rằng "đừng đổ lỗi hành vi gây gổ cho nạn nhân". "Tôi đề nghị Tổng thống Joe Biden và nội các của ông ấy hãy ngừng ủng hộ giết người. Hãy ủng hộ các nạn nhân, ngừng áp bức".
"Bạo lực do quân đội Israel gây ra gần đây là tội diệt chủng", ông nói thêm, đồng thời giơ tấm áp phích có nội dung "Tự do cho Palestine, chấm dứt chiếm đóng".
Tại thành phố Los Angeles, bang California, hàng nghìn người tham gia biểu tình và tuần hành từ Tòa nhà Liên bang đến lãnh sự quán Israel để phản đối.
Các cuộc biểu tình được tổ chức vào dịp kỷ niệm Ngày Nakba, hay còn gọi là "thảm họa", khiến hàng trăm nghìn người Palestine phải di dời trong thời kỳ Israel thành lập năm 1947-1948. Đông đảo người dân tụ tập tại Quảng trường Copley ở Boston, trong khi vài trăm người tập hợp trong khuôn viên Đài tưởng niệm Washington ở thủ đô nước Mỹ.
Hàng nghìn người cũng biểu tình tại thành phố Toronto, tỉnh Ontario, Canada, vẫy cờ Palestine để thể hiện sự ủng hộ. Vài nghìn người khác tập trung ở thành phố Montreal, tỉnh Quebec, kêu gọi "giải phóng Palestine". Người biểu tình tố cáo "tội ác chiến tranh" của Israel ở Gaza và mang theo các tấm biểu ngữ cáo buộc Israel vi phạm luật pháp quốc tế.
Trước đó, một đoàn xe ô tô bấm còi và treo cờ Palestine khi biểu tình bên ngoài lãnh sự quán Israel ở phía tây Montreal. Một người biểu tình bị bắt vì làm vỡ cửa sổ, nhưng nhìn chung biểu tình diễn ra ôn hòa.
Bạo lực tồi tệ nhất giữa Israel và cánh vũ trang Hamas bắt đầu từ hôm 10/5 và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Ít nhất 148 người đã thiệt mạng ở Gaza kể từ khi bạo lực bùng phát, trong đó có 41 trẻ em. Israel báo cáo 10 người chết, trong đó có hai trẻ em.
Tổng thống Biden hôm 15/5 điện đàm với Tổng thống Israel, Palestine, bày tỏ "mối quan ngại nghiêm trọng" về bạo lực kéo dài khiến nhiều người thiệt mạng hoặc bị thương. Biden cũng "bày tỏ cam kết mạnh mẽ của Washington đối với giải pháp hai nhà nước, con đường tốt nhất để đạt giải pháp công bằng và lâu dài cho cuộc xung đột Israel - Palestine", Nhà Trắng cho biết.
Huyền Lê (Theo AFP)