Hàng chục nghìn chim cánh cụt non ở Nam Cực chết đói do biến đổi khí hậu khiến các cặp chim bố mẹ tìm thức ăn rất khó khăn, AFP hôm 13/10 đưa tin. Các nhà bảo tồn thiên nhiên gọi đây là mùa sinh sản thảm kịch.
Nhóm các nhà khoa học Pháp, do Quỹ Bảo vệ Thiên nhiên Quốc tế (WWF) tài trợ, nghiên cứu đàn chim cánh cụt Adelie 40.000 con ở Đông Nam Cực từ năm 2010 và phát hiện, chỉ có hai con non sống sót sau mùa sinh sản vừa qua.
Nguyên nhân là biến đổi khí hậu khiến băng biển mở rộng, các cặp chim cánh cụt phải đi xa hơn để tìm thức ăn và việc chờ đợi quá lâu khiến chim non lần lượt chết đói. Những thay đổi về môi trường này liên quan tới tảng băng trôi tách ra từ sông băng Mertz năm 2010, theo nhà khoa học Yan Ropert-Coudert tại trạm nghiên cứu Dumont D’Urville.
"Nhưng cũng còn các yếu tố khác nữa. Đó là ảnh hưởng kết hợp từ nhiệt độ, hướng và sức gió, cộng thêm việc không có hố băng (vùng nước biển không bị đóng băng) nào ở phía trước bầy chim cánh cụt", Ropert-Coudert bổ sung.
Thức ăn chủ yếu của chim cánh cụt Adelie là một loài giáp xác nhỏ giống tôm. Vốn là những tay bơi cừ khôi trong tự nhiên, loài chim cánh cụt này sinh trưởng rất thuận lợi ở Đông Nam Cực. Tuy nhiên, số lượng của chúng đang suy giảm do biến đổi khí hậu khiến môi trường sống bị thu hẹp và biển ấm lên làm lượng thức ăn ít đi.
Mùa sinh sản 4 năm trước, đàn chim cánh cụt này có 20.196 cặp chim bố mẹ nhưng không thể sinh và nuôi lớn nổi con non nào. Lượng băng biển quá lớn, thời tiết ấm bất thường, kết hợp với một trận mưa và giảm nhiệt đột ngột khiến chúng bị ướt và chết cóng.
Những vấn đề về chim cánh cụt sẽ được đưa ra thảo luận trong hội nghị thường niên sắp tới của các nước thành viên tham gia Công ước về Bảo tồn Sinh vật biển Nam Cực (CCAMLR) ở Hobart, Australia.
Hội nghị CCAMLR năm ngoái quyết định lập khu vực bảo tồn biển lớn nhất thế giới với diện tích hơn 1,55 triệu km2 ở Biển Ross thuộc Nam Cực. Các nhà khoa học cho rằng cần lập một khu vực thứ hai ở Đông Nam Cực với diện tích khoảng một triệu km2 tại nơi những con chim cánh cụt chết.
"Nguy cơ từ việc cho phép đánh bắt ở khu vực này, hành động khiến chim cánh cụt Adelie khó tìm thức ăn hơn khi hồi phục sau hai mùa sinh sản thảm kịch chỉ trong 4 năm, là không thể hình dung được", Rod Downie, người phụ trách các chương trình về hai cực tại WWF cho biết.
Thu Thảo