Hiện tượng giao phối chéo loài được giới nghiên cứu ghi nhận lần đầu tiên vào năm 2006 trên đảo Marion gần Nam Cực khi một con hải cẩu cố giao phối với chim cánh cụt hoàng đế, theo Express. Tại thời điểm đó, các nhà khoa học cho rằng hành vi giao phối đến từ một con hải cẩu thiếu kinh nghiệm hoặc xuất phát từ hành động hung dữ hay nô đùa.
Tuy nhiên, hai trường hợp mới xảy ra gây ngạc nhiên cho các nhà nghiên cứu. "Tôi không hy vọng cảnh tượng có bản chất tương tự như sự việc năm 2006 sẽ lặp lại lần nữa với số lượng nhiều", giáo sư Nico de Bruyn ở Viện nghiên cứu động vật có vú tại Đại học Pretoria, Nam Phi, nhận xét.
Video chứa nội dung nhạy cảm, độc giả cân nhắc trước khi xem
Các nhà khoa học theo dõi động vật hoang dã trên đảo theo định kỳ và để ý hành vi bất thường. Nhóm nghiên cứu do William A. Haddad và giáo sư Bruyn đứng đầu phát hiện những con hải cẩu đực trẻ tuổi ép chim cánh cụt khỏe mạnh không rõ giới tính giao phối trong ba dịp khác nhau. Hai vụ xảy ra ở vịnh Goodhope tại Alaska và một vụ ở bãi biển Funk.
Cả 4 trường hợp được ghi nhận đều tuân theo cùng một cách thức. Hải cẩu săn đuổi, bắt và đè lên chim cánh cụt. Con hải cẩu sau đó sẽ cố gắng giao phối vài lần, mỗi lần kéo dài khoảng 5 phút với những khoảng nghỉ ở giữa. Ở ba trong 4 vụ tấn công, hải cẩu thả chim cánh cụt đi nhưng trong một trường hợp, hải cẩu giết chết và ăn thịt chim cánh cụt sau khi tìm cách giao phối với nó.
Theo nhóm nghiên cứu, đây là những trường hợp duy nhất trong đó động vật có vú cố giao phối với loài chim. Họ chỉ có thể suy đoán lý do hải cẩu hành động theo cách này. Họ cho rằng đây có thể là hành vi học hỏi của hải cẩu trên đảo.
"Hải cẩu có khả năng học hỏi. Những con hải cẩu đực có thể chứng kiến đồng loại tấn công chim cánh cụt, sau đó làm thử. Có thể đó là cách để chúng giải phóng sự buồn chán về mặt tình dục do lượng hormone tăng vọt trong mùa sinh sản. Ít có khả năng chúng nhận sai bạn tình và coi chim cánh cụt như hải cẩu cái. Nhìn chung hành vi này rất khó nói rõ", giáo sư Bruyn nói.
Phương Hoa