Sáng 20/8, quốc lộ 91 đoạn qua ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ tiếp tục sạt lở, tiến sát khu dân cư. Các vết nứt kéo dài hàng chục mét.
Chính quyền địa phương huy động lực lượng tháo dỡ nhà cửa, sơ tán 11 hộ dân vào nơi an toàn. Lực lượng chức năng cũng túc trực 24/24 ở khu vực sạt lở, để hướng dẫn và cảnh báo người dân không đi vào khu vực nguy hiểm.
Chiều hai hôm trước, 90% trong số 34.000 khối cát đơn vị thi công thả xuống sông Hậu để ổn định đường bờ, gia cố mái taluy bảo vệ quốc lộ 91 đã bị trôi. Đây là công trình được khẩn cấp thi công sau khi tuyến đường bị sạt lở 85 m, ăn sâu vào bờ 20 m hôm 1/8.
Khi đó, nguyên nhân sạt lở được xác định do địa hình đáy sông có lạch áp sát bờ, tác động dòng chảy tạo hàm ếch. Tại vị trí sạt cách bờ 70 m có hố xoáy sâu 25 m, dốc đứng. Ngoài ra còn do tác động của tải trọng tàu thuyền qua lại quá lớn.
Giải pháp trước mắt được đưa ra là ổn định mái dốc, sử dụng bao tải cát với định mức 23 bao mỗi m2. Việc xử lý vị trí sạt lở được thực hiện trong khoảng 3 tuần với kinh phí 25 tỷ đồng. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông An Giang làm chủ đầu tư.
Đơn vị thi công là Công ty TNHH xây dựng thương mại dịch vụ Mỹ Luông đã thả các bao cát xuống sông rồi chất thành bờ tường bao quanh đoạn sạt lở. Sau đó, họ bơm cát vào bên trong, đến khi cao hơn mặt nước khoảng một mét thì toàn bộ bị chìm.
Ông Nguyễn Việt Trí - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải An Giang cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng công trình khắc phục sạt lở do phương pháp thi công không hợp lý. "Đúng ra phải thi công khô rồi gói lại từng lớp, chứ không thể bơm nước vào như vậy được", ông Trí nói và cho biết đơn vị thi công sẽ chịu kinh phí khắc phục.
UBND tỉnh An Giang đã cho tạm ngưng thi công để các đơn vị liên quan khảo sát, đo đạc, đánh giá và đưa ra phương án tốt nhất.
Quốc lộ 91 dài 142 km, nối từ TP Cần Thơ đến cửa khẩu Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Đây là một trong những tuyến đường huyết mạch của An Giang và các địa phương lân cận cũng như giao thương với Campuchia. Hiện các xe được phân luồng đi qua tuyến tránh, cách hai đầu sạt lở khoảng 2-3 km.
Đồng bằng sông Cửu Long hiện có 562 điểm bờ sông, bờ biển bị sạt lở với tổng chiều dài 786 km. Mỗi năm 13 tỉnh, thành miền Tây mất 300 - 500 ha đất và hàng chục nghìn hộ dân phải di dời khỏi vùng nguy hiểm do sạt lở. Dự báo những năm tới, xói lở sông, kênh và bờ biển sẽ nghiêm trọng hơn.
Nguyên nhân chính dẫn đến sạt lở do đây là vùng thuộc hạ lưu sông Mekong, đất thấp, mềm yếu, khả năng chịu lực thấp, đồng thời khá bằng phẳng, dễ bị xói lở do tác động của tự nhiên và nhân tạo. Bên cạnh đó, việc khai thác nước ngầm, cát quá mức cũng đang gây sụt lún đất tăng dần trong những năm qua.
Cửu Long