Đây là những sai sót của sách giáo khoa tiếng Việt, Ngữ văn được tổng hợp từ ý kiến đóng góp của các cán bộ quản lý, giáo viên, nhà khoa học, Hội Cựu giáo chức, Hội khuyến học... gửi về Bộ GD&ĐT.
Là bộ sách được đánh giá tốt, biên soạn cẩn thận, công phu, đáp ứng yêu cầu của khung chương trình nhưng bộ sách giáo khoa tiếng Việt (tiểu học) và Ngữ văn (THCS, THPT) vẫn bị coi là có lượng kiến thức tương đối nặng, yêu cầu cao, hàn lâm với phần đông học sinh...
Ngày 18/5, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội thảo đánh giá chương trình và sách giáo khoa. Bản tổng hợp ý kiến đánh giá môn tiếng Việt và Ngữ văn cho thấy, hạn chế của sách Tiểu học là sách xuất bản các năm khác nhau nhưng không có sự thống nhất về một số nội dung; không có đính chính nên không biết thông tin đúng, sai; một số bài bố trí chưa đúng với thời điểm thực tế, chưa phù hợp tâm sinh lý trẻ.
Ngoài ra, tính liên môn trong chương trình thể hiện không rõ: sách Toán lớp 2 mới học số trong phạm vi 1.000 nhưng bài đọc tiếng Việt lại có các số 4.000, 6.000... Một số tranh luyện nói tiếng Việt 1 không có tác dụng minh họa, một số nội dung còn khó ngay cả đối với trình độ của giáo viên. Sách tiếng Việt 4, 5 chữ quá nhỏ, mờ nên ảnh hưởng đến mắt học sinh.
Sách tiếng Việt 5 tập 2 năm 2006 in: "Bên trái là đỉnh Ba Vì..." nhưng sách tái bản 2007 lại ghi: "Bên phải là đỉnh Ba Vì...". Thậm chí, học sinh lớp 2, 3 phải trả lời câu hỏi: Vì sao sông Hương là một đặc ân của thiên nhiên dành cho Huế? Theo em khoa học đem lại lợi ích gì cho con người? ... Theo nhiều ý kiến giáo viên, đây là các câu hỏi khó.
![]() |
Ngay từ lớp 1 đã xuất hiện rất nhiều loại sách tham khảo. Ảnh: Tiến Dũng. |
Trong khi đó, nhiều ý kiến nhận định, chương trình lớp 7 có dung lượng kiến thức nhiều và nặng, các bài thơ chữ Hán và Đường gây khó khăn cho học sinh trong việc tiếp thu. Lớp 9 quá tải với 5 tiết Ngữ văn một tuần, các bài ôn tập tổng hợp nặng về kiến thức, gây tâm lý nhàm chán cho học sinh...
Không chỉ nặng về chương trình, sách giáo khoa THCS còn được đánh giá có hệ thống câu hỏi tương đối dài, tập trung chủ yếu vào học sinh giỏi (sách lớp 7), tranh ảnh minh họa ở sách lớp 6 ít, thiếu tính thẩm mỹ và có khi thiếu chính xác. Sách lớp 8, một số bài kiến thức nhiều, thời lượng ít, gây khó khăn cho giáo viên và học sinh.
Hội Cựu giáo chức và Khuyến học cho rằng, chương trình và sách giáo khoa lớp 9 nặng nề, quá tải: 6 tác phẩm văn học nước ngoài, 5 tác phẩm văn học trung đại Việt Nam, 5 truyện thơ, 11 văn bản... nặng về lý thuyết, ít tiết thực hành.
Chương trình bậc THPT được đánh giá có nhiều khái niệm, định nghĩa trong sách viết chưa chuẩn kiến thức, mơ hồ hoặc tối nghĩa. Bộ sách chuẩn và nâng cao đều có nội dung nặng tính hàn lâm, lý thuyết, nhẹ thực hành giao tiếp, phần làm văn viết sơ sài, chưa đáp ứng yêu cầu. Thậm chí, số lượng câu sai ngữ pháp chiếm tỷ lệ không nhỏ: sách Ngữ văn lớp 11 có trên 20 câu sai ngữ pháp…
Trong báo cáo gửi Bộ GD&ĐT đóng góp ý kiến, TS Dương Kỳ Đức, Hội ngôn ngữ học Việt Nam nhận xét, những sai sót trong các chương trình và sách giáo khoa mới dù có được tiếp thu sửa chữa thì cũng chỉ mang tính chất kỹ thuật, không thay đổi được tình trạng cơ bản hiện nay của nền giáo dục Việt Nam, một nền giáo dục được xây dựng trên cơ sở áp đặt, phiến diện, không thực sự tính đến lợi ích của học sinh - phụ huynh và thị trường lao động.
Tại buổi thảo luận nhóm môn tiếng Việt - Ngữ văn chiều 18/5, GS Nguyễn Khắc Phi, Tổng chủ biên sách Ngữ văn, cho rằng, một số ý kiến về chương trình và sách giáo khoa không chính xác, do người đóng góp không có trình độ hoặc không cập nhật kiến thức. "Họ đang đứng trên nền đất cũ để nhìn vào bộ sách giáo khoa mới", ông nhấn mạnh.
Một vị đại diện Hội đồng thẩm định sách Tiểu học khẳng định, hiện có những vấn đề liên quan đến chương trình và sách giáo khoa nhưng không phải là quá tải. "Môn Văn lớp 5 có tới 25 đầu sách tham khảo. Tự đặt mình là phụ huynh, nếu nhìn đống sách tham khảo đó chắc tôi cũng chết khiếp", ông này nói.
Phản đối cách dạy và kiểm tra hiện nay, GS. TS Nguyễn Văn Long thẳng thắn cho rằng không thể bắt các em học thuộc hết các câu thơ, hỏi những vấn đề tiểu tiết bởi cái quan trọng chính là dạy các em cách diễn đạt vấn đề đó thế nào. "Thầy cô viết mà không có văn bản thì có làm được không?", ông lật ngược vấn đề.
Trong khi đó, thầy giáo Lê Văn Ca, đại diện Sở GD&ĐT Quảng Nam băn khoăn đặt câu hỏi về vai trò của môn học: "Các thầy cô hãy nhìn lại xem, nói là dạy ngữ văn nhưng sao chưa có tiết nào dạy cho các em viết câu văn hay? Suốt chương trình, chúng ta mới chỉ dạy các em viết đúng. Tôi băn khoăn mãi về điều này”.
Cũng đề cập đến học trò, những người trực tiếp hấp thụ kiến thức từ sách giáo khoa, GS Phan Trọng Luận, Tổng chủ biên sách Ngữ Văn THPT, đặt câu hỏi: "Sách viết cho học trò sao lại không hỏi ý kiến học trò? Có lẽ phải có điều tra xã hội học về việc tiếp thu của học sinh đối với sách và chương trình hiện nay. Việc không lấy ý kiến học trò là tư duy chủ quan".
Tiến Dũng