Công bố được đưa ra vào hôm 9/9 sau khi các nhà nghiên cứu từ Đại học Newcastle và tổ chức bảo tồn BirdLife International của Anh tiến hành phân tích 73 loài động vật bị đe dọa nghiêm trọng nhất trên thế giới. Trong số những loài được hồi sinh từ bờ vực tuyệt chủng, đáng chú ý có loài vẹt Puerto Rico, ngựa hoang Mông Cổ, linh miêu Iberia và chim cà kheo đen.
Các loài động vật bị đe dọa bởi nhiều yếu tố như mất môi trường sống, nạn săn bắt quá mức, dịch bệnh, hay biến đổi khí hậu. Các chiến lược bảo tồn thành công trong những trường hợp này bao gồm kiểm soát động vật xâm lấn, xây dựng các khu bảo tồn, tái tạo môi trường hoang dã và nhân giống.
Cũng trong một báo cáo vào tuần này, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) nhấn mạnh quần thể động vật hoang dã toàn cầu đã giảm hơn 2/3 kể từ những năm 1970. Nếu không có các nỗ lực bảo tồn, tỷ lệ tuyệt chủng có thể cao gấp 3 - 4 lần.
Theo tác giả chính của nghiên cứu Rike Bolam, chuyên gia về đa dạng sinh học tại Đại học Newcastle, khoảng 28 - 48 loài động vật đã được cứu khỏi nạn tuyệt chủng kể từ năm 1993, trong đó có 21 - 32 loài chim và 7 - 16 loài động vật có vú.
Mặc dù vậy, các nhà bảo tồn thừa nhận đã không hoàn thành mục tiêu do Liên Hợp Quốc đề ra cách đây một thập kỷ. Bên cạnh những loài được cứu, vẫn còn hàng chục loài chim và động vật có vú khác đã biến mất hoàn toàn hoặc bị nghi ngờ tuyệt chủng.
Một số loài trong khi đó chỉ còn tồn tại trong điều kiện nuốt nhốt. Các nhà nghiên cứu vẫn hy vọng một ngày nào đó chúng có thể được đưa trở lại môi trường tự nhiên giống như trường hợp của ngựa hoang Mông Cổ.
Loài thú đặc hữu tại thảo nguyên Mông Cổ này được báo cáo tuyệt chủng ngoài tự nhiên vào những năm 1960, nhưng nhờ các chiến dịch bảo tồn và nhân giống, quần thể loài đã tăng lên 760 con và được "tái hoang dã" vào năm 1996.
"Điều đáng khích lệ là một số loài mà chúng tôi nghiên cứu đang phục hồi rất tốt. Nghiên cứu đưa ra một thông điệp rõ ràng rằng việc bảo tồn đã làm giảm đáng kể tỷ lệ tuyệt chủng ở động vật", Bolam chia sẻ.
Đoàn Dương (Theo Guardian)