![Nhà địa chất học xem xét các dấu chân khủng long 190 triệu năm tuổi ở Trùng Khánh. Ảnh: Xinhua.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2020/06/04/Khung-long-set-2886-1591249019.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=WNtYpgDscovcQzxEM2VQsw)
Nhà địa chất học xem xét các dấu chân khủng long 190 triệu năm tuổi ở Trùng Khánh. Ảnh: Xinhua.
Người leo núi phát hiện những dấu chân lạ trên đá tại Công viên quốc gia Geleshan, tỉnh Trùng Khánh vào tháng 3/2019. Sau khi nghiên cứu, các nhà khoa học từ Đại học Khoa học Địa chất Trung Quốc và một số cơ quan khác kết luận, đây là dấu vết của khủng long chân thú tồn tại từ đầu kỷ Jura. Nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Historical Biology cuối tháng 5 vừa qua.
Các nhà khoa học tìm thấy tổng cộng 46 dấu chân. Dựa vào chiều dài sải chân, họ nhận định "chủ nhân" của chúng là những con khủng long chân thú kích thước từ trung bình đến lớn và đang chạy thong thả.
Những dấu chân loại này xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới, theo Dai Hui, đồng tác giả nghiên cứu, kỹ sư tại Viện Bảo tồn Di sản Địa chất Trùng Khánh 208. Các nhà khoa học từng tìm thấy hàng loạt dấu chân của khủng long hai mào thuộc nhóm khủng long chân thú tại Bắc Mỹ. Tại Trùng Khánh, những dấu chân này có thể thuộc về một loài khủng long sống ở Trung Quốc vào kỷ Jura, trên đầu có hai mào, cơ thể dài khoảng 5,6 mét và nặng đến nửa tấn.
Phát hiện mới đóng góp thêm vào kho tàng dấu chân khủng long tại Trung Quốc và châu Á, giúp giới khoa học hiểu thêm về sự phân bố, tiến hóa của khủng long vào đầu kỷ Jura, Dai Hui cho biết.
Khủng long chân thú là nhóm khủng long với bàn chân có ba ngón đặc trưng. Ban đầu chúng chủ yếu ăn thịt. Tuy nhiên, một số loài tiến hóa thành động vật ăn tạp hoặc ăn cỏ. Một trong những loài được biết đến nhiều nhất thuộc nhóm này là khủng long bạo chúa.
Thu Thảo (Theo Xinhua)