Khi gặp gỡ những lãnh đạo ngành hàng không năm 2017, tổng thống Donald Trump từng hứa hẹn đưa ngành hàng không vĩ đại trở lại. "Chúng ta muốn công chúng hưởng những dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt nhất, với số chuyến bay bị hoãn tối thiểu, tiện nghi tuyệt vời nhất", ông Trump khẳng định.
Điều đó nghe tương tự những gì xảy ra hơn 30 năm trước, khi Trump cam kết tạo ra "hệ thống giao thông tốt nhất trên toàn thế giới". Nhưng vào thời điểm đó, ông không nhắc đến hệ thống hàng không quốc gia, mà là hãng hàng không đặt theo tên mình.
Năm 1988, Eastern Shuttle - hãng bay cung cấp các đường bay giữa New York, Boston, và Washington D.C, dừng hoạt động do cuộc đình công của toàn bộ nhân viên. Nó lên sàn đấu giá vào năm 1989, và Trump chính là người bỏ ra 365 triệu USD để mua lại thương hiệu này. Ông đổi tên nó thành Trump Shuttle, vận hành 21 tàu bay Boeing 727. Tỷ phú này còn chi 1 triệu USD cho từng chiếc máy bay để tân trang toàn bộ.
Vào thời điểm đó, Trump tuyên bố: "Chúng tôi sẽ là một đối thủ cạnh tranh đáng gờm, tôi nghĩ sẽ rất thú vị. Tôi thích chạy đua với Pan Am. Nếu có phải cạnh tranh, Pan Am chính là đối thủ nhắm đến".
Trump không hề trêu đùa tại cuộc họp báo ra mắt hãng bay của mình. Ông còn lôi kéo nhân tài của đối thủ - Bruce Nobles, cựu chủ tịch Pan Am, về điều hành Trump Shuttle.
Trump tạo ra hơn 1.000 việc làm từ thương vụ mua lại Eastern Shuttle, trong đó rất nhiều người là lao động đình công của hãng bay cũ. Điển hình là Rosemary Durant, một tiếp viên tại Boston.
Durant bày tỏ: "Tôi là tiếp viên hàng không của Trump Shuttle từ đầu đến cuối. Ban đầu, tôi khởi đầu sự nghiệp tiếp viên tại Eastern. Khi hãng giải thể, chúng tôi có cơ hội tìm kiếm việc làm tại Trump Shuttle - một chương trình xổ số chặt chẽ. Đó là cơ hội để chúng tôi tiếp tục bay, có lương. Tôi có nơi để đến, có công việc mình yêu thích và tiếp tục cống hiến. Ông ấy đã cứu chúng tôi".
Ngày 8/6/1989, Trump Shuttle sẵn sàng cất cánh từ một nhà ga của sân bay New York LaGuardia Airport (LGA). Những dịch vụ vào ngày khai trương hội tụ đủ tiện nghi mà hành khách thời đó mong mỏi: nhạc giao hưởng, champagne không giới hạn... Nhưng thời tiết xấu khiến chuyến bay đến Boston khởi hành trễ tới 45 phút - thực tế như chế nhạo quảng cáo trên báo chí của Trump khi hứa hẹn đây là một hãng bay đúng giờ.
Tuần đầu tiên đi vào hoạt động, mọi thứ rối ren với một hãng bay mới toanh, khi họ phải điều hành 64 chuyến một ngày giữa ba sân bay Logan tại Boston, LaGuardia tại New York, và Reagan tại Washington D.C.
Đến tháng 8/1989, một chuyến bay của Trump Shuttle khẩn cấp đáp xuống Boston, vì bộ phận hạ cánh phía trước của máy bay bị trục trặc. Không có ai bị thương, nhưng đó mới chỉ là khởi đầu cho hãng bay non trẻ này.
Cuộc chiến tranh Iraq - Kuwait nổ ra vào năm 1990 khiến giá dầu tăng vọt, đẩy nước Mỹ đến bờ vực suy thoái. Điều đó ảnh hưởng đến mọi hãng hàng không, không chỉ của Trump, khi hành khách không đi máy bay nữa. Dĩ nhiên, Trump Shuttle không thể phát triển thêm giữa bối cảnh khó khăn đó, còn các ngân hàng không hào hứng với tình trạng này.
Trump phải sa thải 100 nhân viên. Chỉ 18 tháng sau khi đi vào vận hàng, hãng bay đã mất 128 triệu USD. Năm 1992, Donald Trump quyết định đã đến lúc phải rút chân khỏi vũng lầy.
Citigroup, một cổ đông lớn của Trump Shuttle, bắt đầu đàm phán bán với US Air, bên vẫn thấy giá trị của hãng bay. US Air mua lại hãng hàng không Trump và đổi tên thành US Air Shuttle - chính là American Airlines Shuttle ngày nay.
Hơn 20 năm sau, Bruce Nobles, cựu chủ tịch Pan Am và chủ tịch của Trump Shuttle từ tháng 10/1988 đến 6/1990, lật lại thương vụ triệu đô đó. Trả lời phỏng vấn tờ The Globe and Mail năm 2011, Nobles khẳng định Trump chi 365 triệu USD cho đội bay và chỗ đỗ, vay 380 triệu USD từ liên hiệp các ngân hàng, và bỏ khoảng 20 triệu USD tiền túi.
Noble chỉ ra rằng: "Chúng tôi mua những chiếc 727 cũ và chi một khoản tiền khổng lồ để lột trơ khung, tân trang lại bằng dây an toàn mạ crôm, vách ngăn bằng gỗ thích và phòng tắm bằng đá cẩm thạch giả (bởi đá cẩm thạch thật sẽ tăng trọng lượng máy bay). Đó chính là vấn đề: chúng tôi chi quá nhiều vào máy bay".
Về phần Donald Trump, ông đã tuyên bố mình không mất tiền cho thương vụ này. Ông nói với tờ Boston Globe: "Tôi thông minh. Tôi đã rời đi vào thời điểm đúng đắn".
Bảo Ngọc (Theo Business Insider)