Khi đang ngồi trong văn phòng tuần trước, Kim Sung-ju, chủ tịch Hội đồng Quyền của bệnh nhân ung thư Hàn Quốc, đã vô cùng thất vọng khi thấy truyền hình đưa tin về cuộc đình công tập thể của hàng nghìn bác sĩ nội trú và sinh viên y khoa.
"Hôm sau, tôi nhận được điện thoại từ một bệnh nhân ung thư sắp chết. Anh ấy nói với tôi rằng lịch hẹn điều trị đã bị hoãn vô thời hạn", Kim, người cũng đang phải chiến đấu với căn bệnh ung thư thực quản trong gần 10 năm qua, kể.
"Làm sao các bác sĩ nội trú có thể mong đợi đất nước và những bệnh nhân như tôi ủng hộ việc đồng loạt xin nghỉ của họ, trong khi họ bỏ mặc chúng tôi chết dần", ông hỏi.
Hơn 10.000 bác sĩ nội trú đã nộp đơn xin nghỉ việc kể từ ngày 20/2, bất chấp yêu cầu quay lại nơi làm việc để chăm sóc bệnh nhân của Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc. Các bác sĩ này tham gia cuộc đình công tập thể trên toàn quốc để yêu cầu chính phủ đảo ngược kế hoạch tăng số lượng sinh viên tuyển vào các trường y mỗi năm.
Nếu kế hoạch diễn ra theo dự kiến, đây sẽ là lần đầu tiên Hàn Quốc tăng số lượng sinh viên y khoa kể từ năm 2006. Chính phủ Hàn Quốc cho biết sẽ tăng số lượng sinh viên y khoa từ 3.058 lên 5.058 mỗi năm, bắt đầu từ 2025. Nhiều chính trị gia cho rằng động thái này là cần thiết để giảm bớt tình trạng thiếu bác sĩ nghiêm trọng của đất nước, trong bối cảnh dân số Hàn Quốc đang già đi nhanh chóng.
"Hàn Quốc hiện là xã hội già hóa nhanh nhất thế giới. Chúng tôi sẽ trở thành 'xã hội siêu già' vào năm tới", Andrew Eungi Kim, giáo sư văn hóa và xã hội học tại Đại học Hàn Quốc ở Seoul, nói.
Xã hội siêu già là những nước có hơn 20% dân số trên 65 tuổi. "Hơn bất kỳ nhóm tuổi nào khác, người cao tuổi cần được chăm sóc y tế nhiều hơn, đồng nghĩa cần nhiều bác sĩ hơn", Kim nói.
Nhưng các bác sĩ nội trú Hàn Quốc lo ngại về nguy cơ cạnh tranh gia tăng khi số lượng sinh viên y khoa nhiều lên. Một số cho rằng đất nước cần thêm bác sĩ, nhưng chỉ tiêu tuyển sinh mà chính phủ đưa ra không dựa trên cơ sở khoa học nào.
Theo các bác sĩ nội trú, chính phủ Hàn Quốc cần giải quyết vấn đề thu nhập chưa tương xứng với điều kiện làm việc của họ, trước khi tính tới việc tăng số lượng nhân viên y tế.
Bác sĩ nội trú Hàn Quốc thường làm việc 80-100 giờ trong 5 ngày mỗi tuần, khiến nhiều người cảm thấy bị quá tải. Họ cho rằng tình trạng này chỉ có thể được cải thiện bằng cách tuyển thêm bác sĩ nhiều kinh nghiệm, không phải tăng thêm số sinh viên và bác sĩ mới ra trường.
"Có những người đã thức suốt đêm làm việc hơn 80 giờ mỗi tuần, nhưng rất vui khi thấy bệnh nhân tiến triển tốt. Chúng tôi rất tiếc khi phải làm cách này để dư luận chú ý đến tiếng nói của các bác sĩ trẻ", Hiệp hội Bác sĩ nội trú Hàn Quốc tuyên bố.
Chính phủ Hàn Quốc có một số dấu hiệu nhượng bộ, như cam kết không truy cứu trách nhiệm các bác sĩ nội trú tham gia đình công tập thể nếu họ quay lại làm việc trước 29/2. Nhưng hàng nghìn người đã phớt lờ tối hậu thư của chính phủ.
Bộ trưởng Nội vụ Hàn Quốc Lee Sang-min nhấn mạnh hành động nghỉ việc tập thể của các bác sĩ nội trú đang làm trầm trọng hơn tình trạng hỗn loạn trong các bệnh viện, đe dọa tính mạng và sức khỏe người bệnh. Thông tin về những bệnh nhân lớn tuổi tử vong trong khi chờ đợi được chăm sóc y tế đã gây ra làn sóng phẫn nộ trên toàn quốc.
Tại Hàn Quốc, trung bình 2,6 bác sĩ phải chăm sóc 1.000 bệnh nhân, tỷ lệ thấp nhất trong nhóm nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Tuy nhiên, bác sĩ Hàn Quốc cũng là nhóm có thu nhập cao nhất so với lương trung bình toàn quốc trong OECD. Các bác sĩ chuyên khoa tự mở phòng khám có thu nhập cao hơn gần 7 lần, trong khi bác sĩ làm công ăn lương cũng có thu nhập cao hơn khoảng 4,4 lần.
Theo báo cáo năm 2023 của Bộ Y tế Hàn Quốc, các bác sĩ làm công ăn lương có thể có thu nhập trung bình một năm khoảng 255 triệu won (khoảng 192.000 USD).
Bác sĩ nội trú phải làm việc trung bình 77 giờ mỗi tuần trong môi trường rất nhiều áp lực, nhưng cũng kiếm được trung bình 3,97 triệu won (khoảng 3.000 USD) mỗi tháng sau thuế, cao hơn mức lương trung bình ở Seoul, theo khảo sát năm 2022 của Hiệp hội Bác sĩ nội trú Hàn Quốc.
Andrew Eungi Kim, giáo sư Đại học Hàn Quốc, cho hay các bác sĩ nội trú muốn được chính phủ cải thiện điều kiện làm việc, nhưng cũng phản đối tăng số lượng sinh viên y khoa, xuất phát từ nỗi lo sợ về thu nhập và địa vị xã hội của họ bị sụt giảm khi cạnh tranh trong lĩnh vực này tăng lên.
"Nếu số lượng bác sĩ tăng trong vòng 10 năm tới, điều đó tất nhiên sẽ làm giảm vị thế nghề nghiệp vốn rất được kính trọng và trả lương cao nhất trong nước của họ. Tôi tin rằng các bác sĩ trẻ đang nghĩ về điều này. Họ muốn duy trì địa vị đặc biệt đó", ông nói.
Năm 2020, giữa lúc đại dịch Covid-19 bùng phát, chính phủ Hàn Quốc đã lên kế hoạch tăng số lượng sinh viên y khoa, nhưng phải gác lại khi đối mặt cuộc đình công kéo dài nhiều tháng của các bác sĩ nội trú.
Trong lần đình công này, khoảng 80% bác sĩ nội trú Hàn Quốc đã nộp đơn xin nghỉ việc, theo Bộ Y tế. Dù các bệnh viện không chấp nhận những lá đơn này, cuộc đình công của họ đã khiến 15 bệnh viện lớn nhất Hàn Quốc phải cắt giảm khoảng 50% số ca phẫu thuật.
Tổng thống Yoon Suk-yeol tuần trước cảnh báo dịch vụ y tế ở các vùng nông thôn đang sụp đổ và Bộ Y tế đã nâng cảnh báo thảm họa về y tế lên mức nghiêm trọng. "An toàn và sức khỏe của người dân ở những khu vực này đang gặp nguy hiểm", ông Yoon nói.
Park Dan, bác sĩ nội trú 33 tuổi, cho biết những người tham gia đình công không hoàn toàn phản đối ý tưởng tăng số lượng sinh viên y khoa. Tuy nhiên, Dan nói rằng anh không nghĩ kết luận cần tăng thêm 2.000 sinh viên y khoa mỗi năm "đã được cân nhắc kỹ lưỡng và khách quan".
Theo anh, chính phủ Hàn Quốc nên tạo thêm động lực để các bác sĩ trẻ mới ra trường sẵn sàng tới làm việc tại các bộ phận thiếu hụt nhân lực như khoa nhi và phòng cấp cứu, thay vì đổ xô mở phòng khám tư trong các lĩnh vực "béo bở" như phẫu thuật thẩm mỹ.
"Các bác sĩ đình công không xem nhẹ hậu quả có thể xảy ra", Dan nói.
Giáo sư Kim cũng cho rằng để cải thiện tình hình, chính phủ Hàn Quốc sẽ phải đảm bảo các bác sĩ nội trú không phải làm việc liên tục quá 12-16 giờ hoặc hơn một ngày. "Vấn đề đó cần được giải quyết", ông nói.
Tuy nhiên, đây sẽ là tình thế tiến thoái lưỡng nan với các nhà hoạch định chính sách, bởi trong bối cảnh dân số già hóa và ngày càng nhiều người cần chăm sóc y tế, để giảm thời gian làm việc cho bác sĩ, họ phải có thêm nhân lực được đào tạo bài bản. Nhưng kế hoạch này đối mặt nguy cơ tiếp tục bị gác lại trước cuộc đình công quy mô lớn, dù chính phủ đã thể hiện quan điểm rất cứng rắn.
Khi các cuộc đình công kéo dài, Kim Sung-ju cho biết ông lo lắng cho số phận của những bệnh nhân ung thư. Một số bệnh viện ở Hàn Quốc đã buộc phải từ chối tiếp nhận bệnh nhân cần được chăm sóc y tế khẩn cấp.
"Tôi trân trọng đề nghị các bác sĩ nội trú quay lại chăm sóc bệnh nhân và tiếp tục biểu tình chống chính phủ tại các bệnh viện, thay vì bỏ mặc người bệnh và kéo ra đường", ông nói.
Thanh Tâm (Theo Washington Post, Reuters, AFP)