Hôm 3/12 là ngày thứ ba liên tiếp Hàn Quốc ghi nhận số ca nhiễm nCoV mới cao chưa từng thấy với 5.352 trường hợp, bước ngoặt đáng báo động so với mức 2.000 ca mỗi ngày hồi cuối tháng 10. Số ca tử vong mới cũng lên 70, mức cao kỷ lục. Tổng số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 tại Hàn Quốc hiện lần lượt là 477.358 và 3.893.
Trong khi đó, số bệnh nhân nghiêm trọng và nguy kịch cũng lên mức kỷ lục hơn 750. Tỷ lệ nhập viện đang gia tăng nhanh chóng với 80% số giường chăm sóc tích cực (ICU) đã được lấp đầy, dồn áp lực lên hệ thống y tế quốc gia.
Một yếu tố tồi tệ khác khiến giới chức Hàn Quốc đau đầu là sự xâm nhập của biến chủng Omicron. Tính đến ngày 6/12, Hàn Quốc đã ghi nhận 24 ca nhiễm biến chủng mới này.
Dù giới khoa học cho biết chưa thể chắc chắn về các đặc tính của Omicron, biến chủng này vẫn gây lo ngại khi có tới hơn 50 đột biến, trong đó ít nhất 32 đột biến nằm trên protein gai, bộ phận giúp virus bám dính và xâm nhập tế bào của người. Số ca nhiễm tại Nam Phi, điểm nóng lây lan biến chủng, cũng đang tăng theo cấp số nhân.
Tình hình Covid-19 Hàn Quốc trở lại tình thế đáng báo động dù người dân vẫn duy trì thói quen đeo khẩu trang và chiến dịch tiêm chủng Covid-19 được tiến hành thuận lợi, với 79,6% dân số đã tiêm đủ liều. Tỷ lệ này thậm chí cao hơn mức 60-75% mà giới khoa học từng ước tính là ngưỡng cần thiết để đạt trạng thái miễn dịch cộng đồng, theo một phân tích trên tạp chí Nature.
Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), suy giảm hiệu quả bảo vệ của vaccine Covid-19 đối với những nhóm dễ tổn thương, như người cao tuổi, có thể là nguyên nhân dẫn đến gia tăng các ca nhiễm đột phá cùng những trường hợp nghiêm trọng ở nước này.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm 29/11 cũng thừa nhận thực tế đầy khó khăn trên, kêu gọi người dân thay đổi cách hiểu về tiêm chủng và họ cần liều vaccine thứ ba để hoàn tất liệu trình tiêm chủng của mình.
Tổng thống Hàn Quốc còn tuyên bố quá trình chuyển đổi sang chiến lược "sống chung với Covid" trên toàn quốc theo ba giai đoạn, dự kiến đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường vào cuối tháng 1/2022, sẽ bị hoãn vô thời hạn. Những lệnh nới lỏng hạn chế trong giai đoạn đầu tiên, vốn đang được tiến hành, giờ đây bị rút lại.
Từ ngày 3/12, toàn bộ hành khách quốc tế nhập cảnh Hàn Quốc đều phải trải qua 10 ngày cách ly bắt buộc bất kể đã tiêm chủng hay chưa, khác với quy định miễn trừ cho những người đã tiêm chủng đầy đủ trước đây. Hàn Quốc cũng cấm nhập cảnh với người từ 9 quốc gia châu Phi, nơi biến chủng Omicron khởi phát.
Những người đến các nhà hàng, rạp chiếu phim và địa điểm công cộng khác phải xuất trình thẻ xanh Covid. Bắt đầu từ ngày 6/12, quy mô các cuộc tụ tập riêng tư tại khu vực thủ đô Seoul bị giảm từ 10 xuống 6 người, và từ 12 xuống 8 người đối với khu vực ngoài thủ đô.
Một số cư dân nước ngoài được tiêm chủng ở quốc gia khác thậm chí bị cấm đến nhà hàng, quán cà phê hay rạp chiếu phim. KDCA cho biết chính sách hạn chế này chỉ ảnh hưởng đến số lượng nhỏ người dân và là biện pháp cần thiết trong bối cảnh số ca nhiễm nCoV gia tăng nghiêm trọng, đặc biệt với sự xuất hiện của chủng Omicron.
"Lộ trình trở lại trạng thái bình thường theo từng giai đoạn không bằng phẳng. Những mối đe dọa liên quan đến biến chủng Omicron đang gia tăng", Tổng thống Moon cảnh báo hôm 2/12.
Giới quan sát đánh giá dường như có một số bất đồng trong chính phủ Hàn Quốc về quyết định siết hạn chế trở lại. Giới chức từng phản đối những lời kêu gọi siết chặt các biện pháp nghiêm ngặt ngăn virus lây lan, do người Hàn đã quá mệt mỏi và bị ảnh hưởng đến sinh kế. Mặc dù vậy, điều này dường như không thể tránh khỏi.
Tuy nhiên, thay vì tuyên bố thắt chặt các quy tắc giãn cách xã hội, một thư ký cấp cao về truyền thông của Tổng thống Moon cho biết chính phủ sẽ "điều chỉnh" những biện pháp hiện tại. Theo giới chức y tế Hàn Quốc, họ đang xem xét tái áp đặt hướng dẫn giãn cách xã hội cấp độ 4 sau khi vừa dỡ bỏ hồi đầu tháng 11, đồng nghĩa với tất cả nhà hàng, quán cà phê, quán bar phải đóng cửa vào 22h và số người được tụ tập sau 18h giảm xuống còn hai.
Giữa lúc kỳ nghỉ cuối năm đang đến gần, đây sẽ là đòn giáng mạnh tiếp theo vào ngành thực phẩm, đồ uống và dịch vụ khuya từng rất sôi động tại Hàn Quốc, vốn đã quay cuồng sau hai năm đóng rồi mở liên tục do các lệnh hạn chế.
Những hệ lụy từ Covid-19 đã làm thay đổi các lựa chọn về lối sống. Tháng trước, sau khi một số biện pháp giãn cách xã hội được dỡ bỏ, nhiều người tiệc tùng khuya hay đi làm về muộn phàn nàn về tình trạng không thể bắt taxi, do số lượng xe sụt giảm vì đại dịch.
"Thật không thể tin được. Taxi dường như biến mất khỏi đường phố Seoul trong thời kỳ đại dịch", Han Ye-jung, người phụ nữ 39 tuổi thường đi làm về muộn, cho biết, đồng thời dự đoán tình trạng thiếu taxi ở các thành phố lớn của Hàn Quốc chắc chắn sẽ trầm trọng hơn vào mùa nghỉ lễ sắp tới.
"Ai cũng muốn ra ngoài vào dịp nghỉ lễ. Mọi người đều đã mệt mỏi với yêu cầu ở nhà. Đấy là lẽ thường tình", Park Saing-in, nhà kinh tế học tại Đại học Quốc gia Seoul, cho hay.
Ánh Ngọc (Theo Asia Times, Reuters, DW)