Tòa án quận Tây Seoul ngày 31/12 phát lệnh bắt Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol với các cáo buộc liên quan quyết định ban thiết quân luật hồi đầu tháng. Lệnh bắt được ban hành theo đề nghị của nhóm điều tra liên ngành gồm Văn phòng Điều tra Tham nhũng đối với quan chức cấp cao (CIO), cơ quan điều tra đặc biệt của Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc và cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng.
CIO cho hay họ xin tòa phê chuẩn lệnh bắt vì ông Yoon đã ba lần phớt lờ lệnh triệu tập để thẩm vấn và không cho các điều tra viên khám xét văn phòng để điều tra cáo buộc nổi loạn và lạm quyền liên quan đến lệnh thiết quân luật vào đêm 3/12. Tòa án đồng ý với đề nghị này và còn cho phép công tố viên khám xét dinh thự của Tổng thống tại quận Yongsan, Seoul để phục vụ điều tra.
Đây là lần đầu tiên một tổng thống đương nhiệm Hàn Quốc bị phát lệnh bắt, khiến các công tố viên và cảnh sát đối mặt nhiều lúng túng về quá trình thực thi. Một sĩ quan CIO cho hay họ sẽ thực thi lệnh bắt trước ngày 6/1/2025, nhưng cần phải thảo luận thêm với phía cảnh sát về phương pháp tiến hành.
"Tổng thống Yoon sẽ bị thẩm vấn tại văn phòng CIO hoặc đồn cảnh sát gần dinh thự", sĩ quan này nói. "Sau khi thẩm vấn, ông ấy có thể bị đưa đến Trung tâm Tạm giữ Seoul, nhưng chúng tôi đến nay chưa quyết định điều gì".
Về lý thuyết, CIO được quyền tạm giữ Tổng thống Yoon để thẩm vấn trong vòng 48 giờ. Sau thời hạn này, CIO phải ra quyết định xin gia hạn giữ người hoặc trả tự do cho ông Yoon. Nếu muốn tạm giam ông Yoon với thời hạn lâu hơn, họ sẽ phải xin lệnh tòa.
Luật sư Yun Bok-nam, chủ tịch nhóm Luật sư vì Xã hội Dân chủ, nhận định quá trình bắt ông Yoon sẽ "diễn ra suôn sẻ" vì luật pháp Hàn Quốc không có quy định nào về việc ngăn chặn bắt một tổng thống đương chức bị cáo buộc có hành vi nổi loạn và lạm quyền.
Tuy nhiên, trên thực tế, CIO sẽ đối mặt rất nhiều thách thức cả về pháp lý và thực tiễn để thực hiện lệnh bắt Tổng thống.
Yun Gap-geun, một trong những luật sư đại diện ông Yoon, nói lệnh bắt và lệnh khám xét theo đề nghị từ CIO "phi pháp và vô hiệu" vì cơ quan này không có thẩm quyền điều tra về các cáo buộc nổi loạn. Nhóm luật sư tuyên bố sẽ khiếu nại lên Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc về lệnh bắt.
Ngoài ra, Cơ quan An ninh Tổng thống, lực lượng cận vệ của ông Yoon, hoàn toàn có thể ngăn các công tố viên tiến vào khám xét khu phức hợp văn phòng cũng như nơi ở của ông Yoon với lý do lo ngại về an ninh quân sự. Theo luật pháp Hàn Quốc, các địa điểm có khả năng liên quan đến bí mật quân sự như dinh thự tổng thống không thể bị khám xét mà không có sự đồng ý của người phụ trách.
Các điều tra viên trước đây đã vài lần tìm cách tiến vào văn phòng và dinh thự của ông Yoon để khám xét nhưng đều bị lực lượng cận vệ ngăn cản, buộc họ phải ra về.
Sau khi tòa án phát lệnh bắt, Cơ quan An ninh Tổng thống tuyên bố họ sẽ tiếp tục thực thi nhiệm vụ bảo vệ Tổng thống theo quy định của pháp luật. CIO cảnh báo nếu các cận vệ dùng vũ lực ngăn cản điều tra viên thực thi lệnh bắt, họ sẽ bị truy tố với cáo buộc cản trở công lý.
Nhưng giới chuyên gia cho rằng ông Yoon trong thời gian tới sẽ phớt lờ lệnh bắt và không rời khỏi dinh thự, khiến CIO không có cơ hội để tiếp cận ông.
"Trừ khi ông Yoon tự nguyện, nếu không, họ không có cách nào để bắt người", Choi Jin, giám đốc Viện về quyền lực tổng thống, nhận định với AP. "Liệu các điều tra viên có phải đấu tay đôi với lực lượng an ninh tổng thống hay không?".
Ông Choi cho rằng các điều tra viên vẫn đến tư dinh ông Yoon để thể hiện họ làm việc nghiêm túc và công bằng, nhưng sẽ rút lui khi đối mặt với lực lượng cận vệ được vũ trang đầy đủ.
Người biểu tình ủng hộ ông Yoon cũng có thể gây trở ngại cho các điều tra viên. "3.000 người sẽ biểu tình phản đối lệnh bắt bất công và vô giá trị này", thành viên một nhóm ủng hộ ông Yoon nói.
Năm 2004, các công tố viên thực hiện lệnh bắt cựu lãnh đạo đảng Dân chủ Thiên niên kỷ (MDP) Hahn Hwa-kap với cáo buộc vi phạm Đạo luật Quỹ chính trị liên quan khoản tiền một tỷ won. Tuy nhiên, họ đã phải đối mặt với khoảng 200 người ủng hộ ông đứng kín lối vào trụ sở MDP.
Trước thái độ phản kháng của nhóm người biểu tình, các công tố viên sau đó chấp nhận truy tố Hahn mà không bắt ông để thẩm vấn.
Cùng năm, Lee In-je, cựu nghị sĩ đảng Hàn Quốc Tự do, bị tòa án triệu tập ba lần liên quan trong vụ truy tố nghi vi phạm luật bầu cử nhưng không trình diện. Tòa án phát lệnh bắt Lee, nhưng cũng bị người ủng hộ ông cản trở, khiến các công tố viên mất một tháng để thực thi lệnh này.
Park Sung-min, chủ tịch công ty tư vấn chính trị MIN Consulting, trụ sở Seoul, nói động thái xin lệnh bắt của công tố viên dường như nhằm gây sức ép để ông Yoon hợp tác điều tra, hơn là để tạm giữ Tổng thống.
Ông Yoon đang được hưởng quyền miễn tố dành cho tổng thống, tuy nhiên đặc quyền này không áp dụng đối với cáo buộc nổi loạn và phản quốc. Người bị kết tội với hai tội danh này có thể lĩnh án tù chung thân hoặc tử hình.
Theo Reuters, lần gần nhất Hàn Quốc tuyên án tử hình là năm 2016, nhưng Seoul chưa thực thi án tử nào kể từ năm 1997.
Quyết định phát lệnh bắt ông Yoon khiến cuộc khủng hoảng trên chính trường tại Hàn Quốc thêm tồi tệ.
Tổng thống Yoon đã bị quốc hội quyết định luận tội và đình chỉ quyền lực hôm 14/12, chờ Tòa án Hiến pháp ra phán quyết cuối cùng trong vòng 180 ngày. Thủ tướng Han Duck-soo được chỉ định làm quyền Tổng thống, nhưng ông cũng bị quốc hội luận tội hôm 27/12 với cáo buộc hỗ trợ ông Yoon trong lệnh thiết quân luật.
Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Choi Sang-mok sau đó được chọn làm quyền Tổng thống kiêm quyền Thủ tướng. Việc đảm nhận cùng lúc 4 trọng trách khiến ông Choi đối mặt rất nhiều áp lực, đặc biệt là khi Hàn Quốc vừa trải qua thảm kịch hàng không Jeju Air khiến 179 người chết ngày 29/12.
Như Tâm (Theo Yonhap, AP, Reuters)