Triều Tiên đã không thử bom hạt nhân kể từ năm 2017 nhưng nhấn mạnh rằng họ có thể nối lại hoạt động thử nghiệm này trong bối cảnh các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa với Mỹ bị đình trệ.
Khi các nỗ lực ngoại giao đạt được kết quả khả quan vào năm 2018, Triều Tiên đã kích nổ phá hủy một số đường hầm dưới lòng đất tại Punggye-ri, bãi thử hạt nhân duy nhất được biết đến của nước này.
"Hoạt động nhằm khôi phục một phần đường hầm bị phá hủy vào ngày 24/5/2018 tại bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên đã được phát hiện", quân đội Hàn Quốc hôm 11/3 thông báo nhưng không nêu chi tiết.
Hàn Quốc đang hợp tác chặt chẽ với đồng minh Mỹ để giám sát những hoạt động này, thông báo cho biết thêm.
Báo cáo được đưa ra sau khi Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ hôm 6/3 nói rằng họ đang đặc biệt chú ý đến Punggye-ri và địa điểm đặt lò phản ứng hạt nhân chính tại Yongbyon.
Những hình ảnh do vệ tinh thương mại chụp 7 ngày trước cho thấy những dấu hiệu về các hoạt động tại khu vực này, trong đó có xây dựng một tòa nhà mới và sửa chữa một tòa nhà khác, cũng như dấu vết của gỗ cùng mùn cưa, theo các chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến Vũ khí hạt nhân James Martin, trụ sở tại California.
Các nhà giám sát quốc tế cũng đánh giá lò phản ứng hạt nhân tại Yongbyon dường như đang hoạt động, có khả năng tạo ra nhiên liệu cho vũ khí hạt nhân.
Hôm 5/3, Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đã phóng ít nhất một vật thể nghi là tên lửa đạn đạo trong vụ thử vũ khí lần thứ chín trong năm nay. Giới chức Hàn Quốc và Nhật Bản lo ngại Triều Tiên đang thúc đẩy chương trình phát triển tên lửa trong bối cảnh dư luận quốc tế tập trung chú ý đến khủng hoảng Ukraine.
Vũ Hoàng (Theo Reuters)