"Chúng tôi phát hiện một số dấu hiệu cho thấy Triều Tiên có thể đã bắt đầu quá trình chế tạo tàu ngầm mới", Cơ quan Tình báo Quân đội Hàn Quốc (DIA) cho biết trong báo cáo gửi nghị sĩ Kang Dae-sik của đảng Quyền lực Nhân dân cầm quyền tuần trước.
Quân đội Hàn Quốc nhận định với kích thước lớn hơn các mẫu cũ, tàu ngầm mới của Triều Tiên có thể chạy bằng năng lượng hạt nhân, nhưng cần xác định thêm thông tin, do quá trình chế tạo đang trong giai đoạn đầu.
Hãng thông tấn Yonhap ngày 8/10 dẫn lời quan chức quân sự Hàn Quốc cho biết cơ sở chế tạo tàu ngầm mới của Triều Tiên có thể là nhà máy đóng tàu Pongdae ở tỉnh miền đông Sinpo.
"Con tàu này lớn hơn những tàu ngầm mà Triều Tiên đang vận hành", quan chức này nói. "Chúng tôi sẽ có thể xác định chính xác lượng giãn nước và các chi tiết khác khi chương trình bước sang giai đoạn tiếp theo".
Lãnh đạo Kim Jong-un tháng 1/2021 nói Triều Tiên "đã hoàn tất nghiên cứu và đang triển khai giai đoạn thẩm định cuối cùng thiết kế tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân". Ông cho biết Triều Tiên đã thiết kế nhiều loại vũ khí và cảm biến cho mẫu tàu ngầm này.
Truyền thông Triều Tiên từng đề cập tới kế hoạch chế tạo tàu ngầm hạt nhân khi đưa tin về lễ hạ thủy tàu ngầm diesel-điện Anh hùng Kim Kun-ok tại Sinpo hồi tháng 9/2023.
Ông Kim Jong-un hồi tháng 1 thị sát "tàu ngầm hạt nhân đang được chế tạo", song truyền thông Triều Tiên không công bố hình ảnh hoặc thông tin chi tiết về chiến hạm.
Nhiều bên vẫn hoài nghi khả năng Triều Tiên làm chủ công nghệ hệ thống đẩy sử dụng năng lượng hạt nhân cho tàu ngầm. Lò phản ứng hạt nhân của tàu ngầm là hệ thống phức tạp, với nhiều yêu cầu khắt khe về lắp đặt và vận hành.
"Nếu tàu ngầm Anh hùng Kim Kun-ok phản ánh trình độ chế tạo tàu ngầm hiện tại của Triều Tiên thì khả năng họ chế tạo tàu ngầm hạt nhân còn rất xa vời, mặc dù họ có thể làm được điều này", biên tập viên Thomas Newdick của trang quân sự War Zone nhận định.
Theo Newdick, Triều Tiên phát triển tàu ngầm Anh hùng Kim Kun-ok trên cơ sở lớp Đề án 633 của Liên Xô, được chế tạo vào những năm 1950-1960. Chiến hạm này có thêm khoang chứa sau đài chỉ huy, có thể khai hỏa tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLMB) hoặc tên lửa hành trình.
Newdick đánh giá tàu ngầm hạt nhân là bước tiếp theo phù hợp với xu hướng phát triển hạm đội tàu ngầm của Triều Tiên. Mẫu chiến hạm này cũng có thể đóng vai trò nền tảng thử nghiệm các công nghệ mới, đặc biệt hữu ích nếu Triều Tiên có kế hoạch hoặc đã phát triển lò phản ứng hạt nhân phù hợp.
Triều Tiên được cho là đang vận hành 86 tàu ngầm, trong đó có các chiến hạm cỡ nhỏ, áp đảo về số lượng so với hạm đội 21 tàu ngầm của Hàn Quốc. Hàn Quốc đang đẩy mạnh phát triển SLBM sử dụng đầu đạn thường, song có thể hướng tới khả năng trang bị đầu đạn hạt nhân.
Nguyễn Tiến (Theo TWZ, AFP, AP)