Một liệu trình kéo dài 5 ngày, bệnh nhân uống 4 viên thuốc mỗi ngày, chia hai lần.
"Chúng tôi đảm bảo ngân sách đủ điều trị khoảng 40.000 người, đã ký hợp đồng mua trước 20.000 liệu trình thuốc", Thủ tướng Kim Boo-kyum phát biểu.
Hàn Quốc cũng tìm cách mua các loại thuốc kháng virus khác. Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (KDCA) đang đàm phán với Pfizer và Roche để mua thuốc kháng virus điều trị Covid-19 do hai hãng dược này hợp tác sản xuất. Chính phủ Hàn Quốc phân bổ ngân sách 36,2 tỷ won (30,31 triệu USD) nhằm đảm bảo nguồn cung thuốc Covid-19 cho người dân.
Cùng ngày, hãng dược Merck cũng ký thỏa thuận cung cấp molnupiravir cho Singapore. Pang Lai Li, giám đốc điều hành của hãng tại Singapore và Malaysia, gọi thỏa thuận này là "ví dụ về chiến lược quản lý đại dịch trong tương lai và cam kết của chính phủ nhằm đầu tư vào các loại thuốc cùng vaccine tân tiến để chống lại Covid-19".
Hàn Quốc và Singapore là hai trong nhiều nước bước vào cuộc chạy đua đảm bảo nguồn cung thuốc kháng virus nói chung trong thời kỳ đại dịch. Hiện có ít nhất ba loại thuốc được thử nghiệm lâm sàng. Kết quả dự kiến công bố trong mùa đông, theo Carl Dieffenbach, giám đốc bộ phận nghiên cứu AIDS, Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ.
Từ bị ngó lơ giữa cuộc đua vaccine, thuốc uống điều trị Covid-19 đang nhận sự quan tâm rõ rệt. Tháng 6, chính quyền Tổng thống Joe Biden cho biết sẽ đầu tư 3,2 tỷ USD vào Chương trình Chống virus cho Đại dịch, nhằm phát triển thuốc Covid-19 và hơn thế nữa.
Molnupiravir có thể trở thành loại thuốc kháng virus đường uống điều trị Covid-19 đầu tiên trên thế giới, làm giảm một nửa nguy cơ tử vong hoặc nhập viện vì nhiễm nCoV. Nhà sản xuất Merck đang nỗ lực nộp đơn xin phê duyệt thuốc lên Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA). Hãng đã lập kế hoạch định giá sản phẩm này theo từng cấp độ, dựa trên mức thu nhập của mỗi quốc gia.
Thục Linh (Theo Reuters, SCMP)