Kim Yo-jong, em gái lãnh đạo Kim Jong-un, ngày 25/9 nói rằng Triều Tiên và Hàn Quốc có thể thực hiện các bước tiến tới hòa giải nếu Seoul từ bỏ "các chính sách thù địch" và "những tiêu chuẩn đối phó kép". Tuy nhiên, bà không nêu cụ thể các bước này là gì.
Bộ Thống nhất Hàn Quốc hôm qua mô tả những tuyên bố của Kim Yo-jong là "có ý nghĩa", nhấn mạnh Seoul vẫn kiên định thúc đẩy mục tiêu phi hạt nhân hóa và hòa bình trên bán đảo Triều Tiên thông qua đối thoại.
Để tổ chức các cuộc đàm phán về những bước bắt đầu hướng tới hòa giải, theo Bộ Thống nhất Hàn Quốc, việc cần làm là nhanh chóng nối lại đường dây nóng nhằm đảm bảo liên lạc ổn định. Seoul cũng hy vọng hai miền Triều Tiên có thể tái khởi động các cuộc đàm phán về nhiều vấn đề đang chờ xử lý.
Tuyên bố của Hàn Quốc đề cập tới những kênh liên lạc giữa hai miền phần lớn đã không hoạt động hơn một năm qua. Hàn Quốc và Triều Tiên từng nối lại đường dây nóng trong khoảng hai tuần hồi mùa hè, nhưng Bình Nhưỡng sau đó từ chối tiếp tục trao đổi thông tin khi Seoul tổ chức tập trận quân sự thường niên với Washington.
Hồi đầu tháng, Triều Tiên tiến hành các vụ phóng tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình đầu tiên kể từ tháng ba, cho thấy khả năng tấn công nhằm vào Hàn Quốc và Nhật Bản, hai đồng minh của Mỹ.
Mối quan hệ giữa hai miền Triều Tiên có nhiều chuyển biến tích cực vào năm 2018, khi Seoul giúp dàn xếp các cuộc thảo luận cấp cao về hạt nhân giữa Washington và Bình Nhưỡng, trong đó có một hội nghị thượng đỉnh giữa lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ Donald Trump. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng cắt đứt liên lạc với Seoul sau khi nỗ lực ngoại giao Trump - Kim đổ vỡ vào năm 2019 vì bất đồng liên quan đến các biện pháp trừng phạt Mỹ áp đặt lên Triều Tiên.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm 21/9 kêu gọi chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Ông đồng thời đề xuất hai miền bán đảo Triều Tiên cùng Mỹ và Trung Quốc đưa ra tuyên bố chung.
Seoul và Bình Nhưỡng về lý thuyết vẫn trong tình trạng chiến tranh vì Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 kết thúc bằng hiệp định đình chiến, không phải hiệp ước hòa bình. Ngoài Hàn Quốc và Triều Tiên, các bên ký hiệp định đình chiến gồm Bộ Tư lệnh Liên Hợp Quốc do Mỹ dẫn đầu hậu thuẫn cho Seoul và quân chí nguyện Trung Quốc hỗ trợ Bình Nhưỡng.
Vũ Hoàng (Theo AP)