"Chúng tôi đã nhiều lần khẳng định không có ý định thù địch và sẵn sàng đối thoại với Triều Tiên mà không cần điều kiện tiên quyết. Chúng tôi hy vọng Triều Tiên sẽ phản ứng tích cực với nỗ lực tiếp cận này", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nói hôm qua.
Phát biểu được đưa ra khi quan chức Mỹ được hỏi liệu tuyên bố chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên có thể là điểm khởi đầu quá trình hòa giải liên Triều, hay Bình Nhưỡng cần phi hạt nhân hóa hoàn toàn trước khi điều này diễn ra.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm 23/9 kêu gọi chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên, đồng thời đề xuất hai miền bán đảo Triều Tiên cùng Mỹ và Trung Quốc đưa ra tuyên bố chung. Ông cho rằng Bình Nhưỡng sẽ sớm nhận ra lợi ích khi đối thoại với Washington, nhưng không chắc điều này sẽ diễn ra trước khi ông kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2022.
Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Thae-song sau đó cho rằng còn quá sớm để tuyên bố kết thúc chiến tranh, vì điều này không đồng nghĩa Mỹ sẽ chấm dứt "chính sách thù địch".
Seoul và Bình Nhưỡng về lý thuyết vẫn trong tình trạng chiến tranh vì Chiến tranh Triều Tiên 1950 - 1953 kết thúc bằng hiệp định đình chiến chứ chưa có hiệp ước hòa bình. Ngoài Hàn Quốc và Triều Tiên, các bên ký hiệp định đình chiến bao gồm Bộ Tư lệnh Liên Hợp Quốc do Mỹ dẫn đầu hậu thuẫn cho Seoul và quân chí nguyện Trung Quốc hỗ trợ cho Bình Nhưỡng.
Triều Tiên đang chịu hàng loạt lệnh trừng phạt quốc tế vì chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo, trong khi các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Bình Nhưỡng và Washington chưa có nhiều bước tiến đáng kể.
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần hai hồi tháng 2/2019 kết thúc mà không đạt được thỏa thuận như kỳ vọng, vì hai bên không đạt được tiếng nói chung về quy mô Triều Tiên phi hạt nhân hóa và việc Washington giảm lệnh trừng phạt nhằm vào Bình Nhưỡng.
Sung Kim, đặc phái viên về Triều Tiên của Tổng thống Mỹ Joe Biden, nhiều lần bày tỏ sẵn sàng gặp các đối tác Triều Tiên "ở bất cứ đâu, vào bất cứ lúc nào" nhưng Triều Tiên có vẻ thờ ơ với đề xuất này.
Vũ Anh (Theo Yonhap)