Supermicro, nhà sản xuất máy chủ hàng đầu thế giới, nghi ngờ bị Trung Quốc gắn chip gián điệp nhỏ như hạt gạo trên các bo mạch. Nó đặt ra mối quan tâm an ninh tới cơ quan chính phủ Hàn Quốc, các viện nghiên cứu có sử dụng thiết bị của hãng này.
Theo BusinessKorea, cơ quan chức năng nước này đang tiến hành kiểm tra kỹ lưỡng các máy chủ. Hiện 11 trong số 30 tổ chức thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc đang sử dụng 731 máy chủ Supermicro cho các mục đích nghiên cứu và lưu trữ. Theo Cục Hải quan Hàn Quốc, nước này đã nhập 49,8 triệu tấn máy chủ và bo mạch chủ của Supermicro, trị giá 5,8 triệu USD trong 5 năm qua.
Viện Nghiên cứu Điện tử và Viễn thông Hàn Quốc (ETRI) đã sử dụng hơn 400 sản phẩm Supermicro trong 10 năm qua và 34 thiết bị được dùng tại Viện Nghiên cứu Vũ trụ Hàn Quốc (KARI). Các cơ quan này cân nhắc có thể không mua bất kỳ máy chủ nào từ Trung Quốc nữa.
Máy chủ của Supermicro còn được sử dụng trong các trường học, đài phát thanh. Ngoài công ty viễn thông KT, các doanh nghiệp tư nhân chưa tiết lộ về thông tin này. Riêng KT cho biết có dùng máy chủ Supermicro cho mục đích nghiên cứu và phát triển của mình.
Đầu tháng 10, Bloomberg đã đăng bài điều tra nói Trung Quốc lén cài chip gián điệp nhỏ như hạt gạo vào các máy chủ Supermicro để xâm nhập 30 công ty Mỹ từ 2015, trong đó có Apple, Amazon. Tuy nhiên, các công ty công nghệ hàng đầu này đều lên tiếng phủ nhận.
Từ lâu Mỹ và nhiều quốc gia khác đã lo ngại về gián điệp Trung Quốc thông qua các thiết bị công nghệ. Với vai trò là công xưởng của thế giới, rất nhiều sản phẩm thương hiệu quốc tế nhưng được gia công tại đây, đặt ra những lo ngại về bảo mật. Cơ quan an ninh Mỹ đã ra khuyến cáo với các thiết bị điện tử Trung Quốc, trong khi đó Australia hay Nhật Bản từ chối dùng thiết bị mạng của các công ty Trung Quốc cho hạ tầng quốc gia.