Sau cuộc hội đàm với Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol ngày 23/6 tại Hà Nội, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho biết bên cạnh lĩnh vực kinh tế, thương mại, hai bên nhất trí thúc đẩy hợp tác thực chất, chuyển giao công nghệ trong công nghiệp quốc phòng, đẩy mạnh hợp tác xử lý tội phạm xuyên quốc gia, phòng chống khủng bố và ứng phó các thách thức an ninh phi truyền thống.
Theo đại tá Nguyễn Minh Tâm, nguyên Giám đốc Trung tâm Tư liệu Khoa giáo, Học viện Chính trị Công an Nhân dân, tiền đề để Việt Nam và Hàn Quốc hợp tác quốc phòng, an ninh chặt chẽ hơn là tuyên bố chung nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện được lãnh đạo hai nước nhất trí vào tháng 12/2022.
Theo ông Tâm, bên cạnh vũ khí cùng công nghệ quân sự từ Mỹ và đồng minh, cũng như một số khí tài được Liên Xô và Nga chuyển giao để trả nợ, Hàn Quốc đã phát triển mạnh ngành công nghiệp quốc phòng nội địa và trở thành một trong những quốc gia chế tạo vũ khí và phương tiện chiến đấu hàng đầu thế giới.
"Với bề dày phát triển công nghiệp quốc phòng trong 65 năm qua, Hàn Quốc có thể trở thành hình mẫu cho Việt Nam trong xây dựng nền công nghiệp quốc phòng chính quy, hiện đại với nhiều công nghệ tiên tiến", ông Tâm nói với VnExpress.
Các công nghệ hiện đại mà Hàn Quốc có thể chuyển giao cho Việt Nam gồm điều khiển từ xa, đóng tàu cỡ lớn, chế tạo phương tiện chiến đấu bọc thép và hàng không quân sự. "Những công nghệ này đều rất cần thiết để phát triển nền công nghiệp quốc phòng Việt Nam, hướng tới tự chủ và hiện đại", ông Tâm nói.
Ông Nguyễn Thế Phương, nghiên cứu sinh tiến sĩ Chương trình An ninh hàng hải thuộc Đại học New South Wales của Australia, nhận định Hàn Quốc là đối tác tiềm năng lớn trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng với Việt Nam, vì hai bên có quan hệ ngoại giao tốt, mức độ tin cậy lẫn nhau cao.
"Ngành công nghiệp quốc phòng Hàn Quốc đã được bảo chứng và danh mục vũ khí xuất khẩu của nước này cũng phù hợp một số nhu cầu của Việt Nam", ông nói, thêm rằng hai nước có thể tăng cường hợp tác trong ngành công nghiệp đóng tàu.
Hàn Quốc là một trong những quốc gia có ngành công nghiệp đóng tàu hàng đầu thế giới, đặc biệt về tàu dân sự. Hai tập đoàn lớn của Hàn Quốc tham gia hoạt động chế tạo tàu chiến đã hiện diện và làm ăn lâu dài ở Việt Nam, gồm Samsung và Huyndai.
"Việc các doanh nghiệp này thiết lập một phần chuỗi sản xuất hoặc chế tạo, thậm chí một nhà máy đóng tàu mới ở Việt Nam là trong tầm tay", ông Phương nhận định.
Chương trình hành động giữa Việt Nam và Hàn Quốc được công bố sau chuyến thăm của Tổng thống Yoon Suk-yeol nhấn mạnh các cơ quan, doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng hai bên tăng cường tiếp xúc, trao đổi nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác.
Chuyên gia Phương cho biết Việt Nam và Hàn Quốc còn có thể hợp tác một số khía cạnh trong công nghệ tên lửa nói chung, trong đó có tên lửa diệt hạm, phòng không hoặc chương trình không gian. Theo thông báo của chính phủ Hàn Quốc, hai bên năm 2020 từng đàm phán về động cơ phản lực SSE-750K do Hàn Quốc phát triển. Đây là loại động cơ hiện đại có thể được sử dụng trong các dự án phát triển tên lửa.
Hàn Quốc còn là quốc gia hàng đầu trong chế tạo vũ khí và phương tiện chiến đấu, trong đó có súng trường nội địa Daewoo K2 được chế tạo trên cơ sở mẫu AK-47 của Liên Xô và M16 của Mỹ. Hàn Quốc cũng tự chế tạo một số chiến hạm và tàu ngầm nội địa, xe tăng chủ lực, pháo tự hành và tiêm kích, cũng như sản xuất mẫu chiến đấu cơ KF-16 trên cơ sở F-16 theo giấy phép của Mỹ.
Tuy nhiên, theo đại tá Tâm, do không ít công nghệ quân sự của Hàn Quốc được nhập khẩu từ Mỹ và đồng minh phương Tây và chịu ràng buộc bởi các hiệp ước song phương và đa phương. Điều này khiến Hàn Quốc khó có thể xuất khẩu nhiều loại công nghệ quân sự cho nước thứ ba, trong đó có Việt Nam.
Bởi vậy, ông Phương nhận định một trong những phương án mà Việt Nam có thể triển khai là lựa chọn kỹ lưỡng những công nghệ lõi mà Hàn Quốc tự phát triển, không phụ thuộc vào phương Tây, với chi phí hợp lý.
"Việc mua các công nghệ này từ phương Tây có thể tốn kém hơn nhiều so với từ Hàn Quốc", ông Phương nhận định, thêm rằng giá thành luôn là một trong những rào cản đáng kể trong phát triển và mua sắm quốc phòng với bất kỳ nước nào.
Ngoài vấn đề công nghệ quốc phòng, Việt Nam và Hàn Quốc còn nhiều dư địa để tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh. Lực lượng cảnh sát biển Hàn Quốc đã tài trợ hai tàu tuần tra đường thủy cho Bộ Công an Việt Nam, cũng như huấn luyện hai kíp vận hành các phương tiện này nhằm phục vụ phòng chống các loại tội phạm xuyên quốc gia, tăng cường năng lực tìm kiếm cứu nạn cho cảnh sát Việt Nam.
Sau khi nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện, Việt Nam và Hàn Quốc hợp tác chặt chẽ hơn trên các lĩnh vực như đào tạo nguồn nhân lực quốc phòng, an ninh mạng và quân y. "Hai bên thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình, cũng như khắc phục hậu quả chiến tranh như vật liệu nổ còn sót lại và chất độc da cam", ông Tâm nói.
Ông Phương nhận định Hàn Quốc gần đây đã tăng cường nghiên cứu về các lực lượng cảnh sát biển tại Đông Nam Á. "Trong tương lai, hải quân cùng cảnh sát biển của Việt Nam và Hàn Quốc có thể hợp tác sâu rộng hơn, cũng như mở rộng thêm hoạt động phối hợp, thăm cảng, huấn luyện và trao đổi nghiệp vụ, cũng như chia sẻ thông tin thực địa", ông nói.
Thanh Danh - Nguyễn Tiến