Thông tin được đưa ra tại hội nghị liên quan mưa lũ, hạn mặn ở khu vực Nam Bộ, do Tổng cục Khí tượng Thủy văn tổ chức tại Bến Tre ngày 22/9.
Ông Phùng Tiến Dũng, Trưởng phòng Dự báo, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, thông tin xâm nhập mặn ở miền Tây phụ thuộc chủ yếu vào nguồn nước sông Mekong.
Hiện, mực nước tại Biển Hồ Campuchia (trạm Kompong Luong) lên chậm, ở mức xấp xỉ cùng kỳ năm 2015 và thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng một mét. Dung tích Biển Hồ trung bình 15 ngày đầu tháng 9 khoảng 16,2 tỷ m3, nhỏ hơn trung bình nhiều năm 30%.
Mực nước Biển Hồ còn lên chậm đến giữa tháng 10, sau xuống dần, đến cuối năm mực nước có thể thấp hơn trung bình nhiều năm từ 1,3-1,6 m. Tổng lượng dòng chảy trong những tháng mùa khô từ thượng nguồn Mekong (Kratie, Campuchia) về hạ lưu và Đồng bằng sông Cửu Long khả năng thiếu hụt 20-25% so với bình quân nhiều năm.
Ngoài ra dự báo El Nino còn duy trì đến tháng 4, 5 năm sau, có cường độ mạnh đến rất mạnh như năm 2016. Nhiệt độ trung bình từ nay đến mùa khô năm cao hơn các năm 0,5-2 độ C.
Cùng với mùa mưa ở miền Tây sẽ kết thúc sớm, trước giữa tháng 11, tổng lượng mưa cả năm thiếu hụt so với các năm trước đó. Kết quả tính toán cho thấy độ mặn tại các sông trong mùa khô năm nay hầu hết ở mức cao hơn trung bình nhiều năm và cao hơn cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, dự báo độ mặn cao nhất trên sông Tiền và sông Hậu vào giữa tháng 3 năm sau sẽ cao hơn trung bình nhiều năm từ 3-5g/l. Trên sông Vàm Cỏ, mặn xuất hiện giữa tháng 4, ranh mặn 4g/l có thể lên đến 120-130 km tính từ cửa sông, xấp xỉ cùng kỳ mùa khô năm 2015-2016.
Ông Bùi Văn Thắm, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, cho biết khoảng 2 tháng nữa mặn sẽ ảnh hưởng địa phương. Mỗi năm mặn sẽ xâm nhập bình quân khoảng 3 tháng, song có những năm cực đoan hạn mặn kéo dài đến 6 tháng.
Điển hình như hạn mặn mùa khô 2019-2020 đến sớm, xâm nhập sâu và kéo dài khiến hơn 5.000 ha lúa đông xuân chết, trên 27.000 ha cây ăn trái cùng hơn 2.000 ha nuôi thủy sản bị ảnh hưởng, tổng thiệt hại hơn 1.600 tỷ đồng.
Ông Thắm kiến nghị các bản tin khí tượng thủy văn trong giai đoạn mặn gay gắt nên đưa sớm, cụ thể hơn về thời điểm, khu vực có nước ngọt để người dân dự trữ. Các địa phương cần được hỗ trợ công nghệ, thiết bị cùng hệ thống quan trắc độ mặn, mực nước tự động nhằm nâng cao cảnh báo, hạn chế thiệt hại.
Cục phó Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Thanh Tùng khuyên người dân nên chủ động dự trữ nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất, đồng thời xuống giống sớm để né hạn mặn, thường xuyên theo dõi các bản tin cảnh báo để chủ động ứng phó.
Hoàng Nam