Nữ tác giả thắng giải Nobel Văn học 2024 nhờ "những áng văn xuôi mạnh mẽ, đậm chất thơ, đề cập trực diện những chấn thương lịch sử và phơi bày sự mong manh của kiếp người", theo Viện Hàn Lâm Thụy Điển.
Văn chương của bà mang tính tự phản chiếu tinh thần và tâm lý một cách thơ mộng. Đồng thời, nỗi dằn vặt, đớn đau qua lối viết tính thể nghiệm, đưa bà trở thành một trong những tiếng nói đặc biệt của văn học đương đại.
Các tác phẩm của Han Kang chứa đựng nỗi bất an, khám phá nhiều chủ đề nặng nề, ám ảnh và tối tăm như: Bệnh tâm thần, bạo lực và sang chấn. Sự mổ xẻ không khoan nhượng về các nỗi đau này chính là điều làm cho văn chương của bà có màu sắc độc đáo, mạnh mẽ. Nhân vật của bà thường vật lộn với những rối ren nội tâm, áp lực xã hội hoặc khủng hoảng cá nhân. Họ ngắt kết nối với xã hội, dẫn đến sự xa lánh, tự vấn.
Cuốn sách Người ăn chay là ví dụ điển hình. Tiểu thuyết kể câu chuyện của Yeong Hye, một bà nội trợ có những cơn ác mộng bạo lực khiến cô ngừng ăn thịt. Phản ứng của gia đình khiến cô nghĩ rằng mình đang biến thành một cái cây. Sự lựa chọn ngừng ăn thịt của nhân vật chính dẫn đến sự tan vỡ của các mối quan hệ xã hội.
Boyd Tonkin, Chủ tịch Ban giám khảo giải Booker 2016, từng nhận định: "Với phong cách vừa thơ mộng vừa sắc nhọn, cuốn sách thể hiện tác động nặng nề của việc nhân vật bị những người xung quanh cô khước từ. Tác phẩm ngắn gọn, tinh tế và gây rối này sẽ lưu lại lâu trong tâm trí, và có thể cả những giấc mơ của độc giả".
Tiểu thuyết The White Book (Sách trắng), xuất bản năm 2016, kể về một người không tên tập trung chú ý vào màu trắng để cảm nhận và sáng tạo nên nỗi đau bên trong của mình. Sách được đề cử giải thưởng Booker Quốc tế năm 2018. Tiểu thuyết mang tính thiền định, với những suy ngẫm về cuộc sống, cái chết, bản sắc và cơ thể con người, được cho là ảnh hưởng từ việc bà có một người chị gái đã mất ngay sau khi chào đời.
Trong sách, Han Kang viết một loạt các đoạn văn tái hiện nỗi đau và sự mất mát, sử dụng màu trắng như một mô-típ trung tâm để khám phá các vấn đề của con người. Lối viết này làm mờ ranh giới giữa vật chất và siêu hình, khiến người đọc phải suy ngẫm về những câu hỏi triết học.
Chủ đề chủ đạo của Han Kang là chấn thương tâm lý, cả cá nhân lẫn xã hội. Bà tiếp cận vấn đề với sự đồng cảm và độ chính xác, lên tiếng cho các nạn nhân của lịch sử và phơi bày nỗi đau dai dẳng của tập thể. Tác phẩm của bà thường xem xét cách mà bạo lực, cho dù do người khác gây ra hay tự nhân vật tạo ra, giúp hình thành trải nghiệm của mỗi con người.
Bà mô tả sinh động những bóng đen sâu thẳm và vết thương trong lịch sử hiện đại Hàn Quốc. Human Act (Bản chất của người) đề cập phong trào Dân chủ và cuộc thảm sát Gwangju năm 1980. Han Kang từng nói quá trình sáng tác cuốn sách đầy ám ảnh, khiến bà trải qua nhiều cơn ác mộng.
Còn Don't Say Goodbye (Đừng nói tạm biệt) kể lại bi kịch của cuộc đàn áp làm chết hàng chục nghìn dân thường trên đảo Jeju năm 1948. Nhân vật chính, Gyeong Ha, đến thăm bạn mình là In Seon sau một tai nạn. Gyeong Ha tình cờ chứng kiến biến cố đau thương của hòn đảo qua hình ảnh những người dân nơi đây như mẹ In Seon, Jeong Sim.
Tác phẩm có nhiều câu viết trăn trở: "Có đúng là con người về cơ bản là tàn nhẫn không? Có phải trải nghiệm về sự tàn nhẫn là điều duy nhất chúng ta chia sẻ như một loài? Có phải phẩm giá mà chúng ta bám víu vào không gì ngoài sự tự lừa dối, che giấu khỏi chính mình sự thật duy nhất: Rằng mỗi người chúng ta đều có khả năng bị biến thành một con côn trùng, một con thú dữ, một cục thịt? Bị hạ thấp, bị tàn sát - đây có phải là bản chất của loài người, một điều mà lịch sử đã xác nhận là không thể tránh khỏi không?". Han Kang cho biết bà coi Human Act và Don't Say Goodbye như một bộ đôi.
Han Kang nổi tiếng với việc tìm tòi, thử nghiệm hình thức và cấu trúc mới trong văn chương. Ở tiểu thuyết Người ăn chay, câu chuyện được chia thành ba phần, mỗi phần được kể từ một góc nhìn khác, cho phép người đọc thấy được sự chuyển biến của nhân vật từ nhiều phía. Cấu trúc này khiến độc giả đôi khi mất phương hướng và mơ hồ, nhất là với những người quen tiếp cận văn chương truyền thống.
Phong cách viết của Han Kang là sự kết hợp giữa ngôn ngữ thơ, giàu tính nhạc, với những câu chuyện trần trụi, tàn bạo và đau thương. Bà nắm bắt cảm xúc chính xác, sử dụng ngôn từ tối giản nhưng để lại ấn tượng. Trong Người ăn chay, tác giả đặt ra nhiều vấn đề triết lý như: "Tại sao chết lại là điều tồi tệ đến vậy?", "Lương tâm là thứ đáng sợ nhất trên thế gian này", "Cô ấy là một người phụ nữ tốt, anh nghĩ. Kiểu phụ nữ mà lòng tốt của họ thật áp bức".
Han Kang cũng sử dụng các câu chuyện phân mảnh rời rạc và phi tuyến tính, không theo trình tự thời gian, cùng với nhiều ám dụ, buộc người đọc tập trung và suy ngẫm cẩn thận. Chủ đề phổ quát về nỗi đau, bóc tách tâm lý, khát vọng tồn tại của con người, cùng những sáng tạo về hình thức biểu hiện, khiến cho Han Kang trở thành một gương mặt nổi bật của văn học châu Á nhiều năm nay.
Sinh năm 1970 tại Gwangju, tỉnh Jeolla Nam, Han Kang sau đó chuyển đến Seoul và học văn học Hàn Quốc tại Đại học Yonsei. Bà là con gái của nhà văn nổi tiếng Han Seung Won. Anh trai Han Kang, Han Dong Rim, cũng là một nhà văn. Bên cạnh việc viết lách, bà dành tình yêu cho nghệ thuật thị giác và âm nhạc. Tác giả là một nhạc sĩ và ca sĩ, tự viết lời bài hát và tự thể hiện. Vì thế, trong các tác phẩm văn chương của bà, âm nhạc và nhiều loại hình nghệ thuật được thể hiện xuyên suốt và nhiều khi trở thành những ám dụ.
Sự nghiệp văn học của Han Kang bắt đầu vào năm 1993 khi bà xuất bản năm bài thơ trong số mùa đông của tạp chí Văn học và Xã hội. Năm sau, Han ra mắt với tư cách nhà văn khi giành giải thưởng Tác giả Mới của cuộc thi Văn học mùa xuân của Nhật báo Seoul Shinmun với truyện ngắn Red Anchor (Mỏ neo đỏ).
Từ đó, Han Kang nhận được nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế, đồng thời xây dựng một phong cách văn chương hướng đến các chủ đề nhân văn và phổ quát như cái chết, bạo lực.
Trước Nobel, Han Kang giành vô số giải thưởng lớn nhỏ trong nước như giải tiểu thuyết Hàn Quốc (1999), giải thưởng nghệ sĩ trẻ ngày nay (2000), giải thưởng văn học Yi Sang (2005), giải thưởng văn học Dongri (2010), giải thưởng văn học Manhae (2014), giải thưởng Văn học Kim Yujung (2018).
Ở nước ngoài, tiểu thuyết The Vegetarian (Người ăn chay) của Han Kang đoạt Man Booker Quốc tế năm 2016, giúp bà trở thành nhà văn Hàn Quốc đầu tiên đạt được thành tích này. Tiểu thuyết tiếp tục được trao giải Malaparte năm 2017 tại Italy, giải San Clemete tại Tây Ban Nha năm 2019. Cuốn Don't Say Goodbye nhận giải Medicis và giải Émile Guimet của Pháp.
Han Kang được chọn là nhà văn thứ năm cho dự án Future Library (Thư viện tương lai) tại Na Uy, năm 2019. Dự án này sẽ chọn và xuất bản các tác phẩm của một số nhà văn thời hiện đại trong tương lai. Cuốn Dear Son, My Beloved (Con trai yêu, người tôi yêu dấu) sẽ được lưu giữ tại Thư viện Deichman ở Oslo và xuất bản theo lịch trình vào năm 2114.
Hà Thanh Vân