Sở Giao thông Vận tải Quảng Ninh giao Cảng vụ đường thủy nội địa tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Ban Quản lý vịnh Hạ Long tuyên truyền, nhắc nhở các chủ tàu, thuyền trưởng về việc hạn chế tốc độ khi đi qua hòn Trống Mái ở vịnh Hạ Long. Tàu thuyền qua đây phải đảm bảo tốc độ không quá 10 km/h, giữ khoảng cách ít nhất 70 m. Đơn vị chức năng đang cho thiết kế phao lắp đặt xung quanh hòn Trống Mái làm cột mốc cho tàu thuyền dễ nhận biết, lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải hôm nay cho hay.
Các quyết định này được đưa ra sau khi Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản hồi tháng 7 ra báo cáo chỉ ra hòn Trống Mái đang chịu nhiều tác động bởi yếu tố tự nhiên, tiềm ẩn nguy cơ trượt, đổ lở. Mặt khác, tàu thuyền du lịch, ca nô cũng có thể gây ra tác động xấu đến hòn Trống Mái dù du khách không được lên đảo.
Một số ca nô cỡ lớn có sức tải 4-8 người khi di chuyển với tốc độ 30 km/h có thể tạo ra cột nước 40 - 60 cm. Các tàu cao tốc lớn hơn di chuyển ở khoảng cách xa hơn 100 m với tốc độ tương đương có thể tạo nên những cột sóng cao hơn 80 cm, tác động lên hòn Trống Mái. Thời gian tác động thường kéo dài một hoặc hai phút, chưa kể việc một số ca nô tham quan thường lượn nhiều vòng quanh đảo. Về lâu dài, những đợt sóng này cũng góp phần đẩy nhanh việc ăn mòn bề mặt hòn Trống Mái. Bên cạnh đó, còn có nguy cơ va chạm do số lượng tàu thuyền đi qua đây khá lớn.
Các chuyên gia nhận định cần có những biện pháp gia cố, bảo vệ hòn Trống Mái. Ngoài yếu tố chuyên môn, vấn đề thẩm mỹ cũng được đặt lên hàng đầu để đảm bảo không phá đi vẻ đẹp tự nhiên của điểm du lịch này.
Vịnh Hạ Long đã mất đi hòn Thiên Nga năm 2016 khi "phần đầu thiên nga" bị đổ; hòn 649 ở tiểu khu 3 của vịnh cũng đổ sụp vào năm 2013. Tại Kiên Giang, hòn Phụ Tử (cha con), được công nhận là danh lam thắng cảnh quốc gia năm 1989, cũng đổ ngã vào năm 2006, chỉ còn lại hòn Tử (con). Vì vậy, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đánh giá việc bảo vệ, gia cố hòn Trống Mái là "cực kỳ cần thiết".
Ngoài hạn chế tốc độ và khoảng cách, các nhà nghiên cứu đề xuất dùng neo đá để bảo vệ những khối trượt, bơm xi măng chuyên dụng vào khe nứt nhằm giảm thiểu tốc độ ăn mòn, dùng tường bê tông chịu lực gia cố vách có nguy cơ đổ lở, phun bê tông trộn sợi nhựa kỹ thuật nhằm hạn chế tốc độ ăn mòn chân đảo.
Hòn Trống Mái cách cảng tàu du lịch quốc tế Tuần Châu khoảng 5 km, cách cảng tàu khách quốc tế Hạ Long khoảng 7 km, gồm hai đảo nhỏ cao khoảng 12 m đối diện nhau, có hình thù như một cặp gà trống - mái.
Hòn Trống Mái là biểu tượng của du lịch vịnh Hạ Long và được chọn là biểu tượng của du lịch Việt Nam năm 2000.
Lê Tân