- Bộ trưởng đánh giá thế nào về tác động của việc tăng giá xăng dầu tới giá cả các mặt hàng?
- Tăng giá xăng chắc chắn có tác động và Chính phủ cũng đang xem xét rất kỹ để có thể hạn chế tối đa các tác động xấu. Tăng giá xăng vào thời gian vừa rồi là không thể tránh được khi giá thế giới tăng cao, thuế đã hạ hết, và gánh nặng đang dồn lên ngân sách. Nhưng một số mặt hàng khác tăng giá đang có lợi cho người dân, ví dụ như gạo, cao su, cà phê. Giá xăng tăng giới hạn tác động ở một phạm vi nhất định còn những mặt hàng kia tăng thì đa số người dân được hưởng.
Tăng giá xăng nhưng giá dầu Nhà nước vẫn bù lỗ vì doanh nghiệp còn quá yếu. Chứ như ở Mỹ, Chính phủ có phải can thiệp vào giá xăng dầu đâu. Xăng ở VN bán 12.000 đồng, xăng Campuchia bán 20.000 đồng, trong khi Mỹ là 18.000 đồng. Thực ra, tác động của việc tăng giá xăng ảnh hưởng chủ yếu đến đối tượng hưởng lương nhà nước. Đối với nông dân, giá xăng chủ yếu chỉ tác động đến chuyện đi lại thôi.
- Lần nào tăng giá xăng, Bộ Tài chính cũng yêu cầu doanh nghiệp tiết giảm chi phí nhiên liệu, nhưng doanh nghiệp cho hay họ đã tiết kiệm hết sức rồi?
- Giá thế giới lên thì Chính phủ không thể bảo nó đừng tăng được, giá cả những mặt hàng khác thì Chính phủ cũng không thể cấm được... Can thiệp kiểu hỗ trợ giá dầu cho doanh nghiệp khi vào WTO sẽ phải bỏ hết nhưng tạm thời thì Chính phủ vẫn cố.
Nhưng cũng có nhiều mặt hàng như rau cỏ, giải khát… tăng do ăn theo tâm lý thôi. Như vậy thì phải tuyên truyền cho người dân thấy rằng như thế là không tốt, không đúng để họ không tăng giá nữa.
- Không chỉ có giá xăng dầu tăng, giá cả các chi phí đầu vào như điện, than cũng rục rịch tăng. Vậy Chính phủ sẽ ghìm cương giá cả như thế nào?
- Các mặt hàng khác trước khi muốn tăng giá thì anh phải hạ giá thành cái đã. Giá thành được tạo từ chi phí sản xuất, chi phí lưu thông, cuối cùng là thuế. Như thế thì phải tính đến chuyện giảm chi phí sản xuất, chi phí phân phối lưu thông. Hội nhập sắp tới, thuế sẽ hạ hết xuống 0-5%, nếu anh không tích cực giảm giá thành thì không thể cạnh tranh được. Nếu làm tốt việc này rồi mà vẫn gặp khó khăn thì Chính phủ mới xem xét việc cho tăng giá được.
Ví dụ như với điện, tỷ lệ thất thoát của anh cao mà anh đòi tăng giá để đập vào phần thất thoát đấy thì làm sao người dân chịu. Bây giờ nếu anh hạ được tỷ lệ thất thoát điện, không phải là tuyệt đối nhưng cũng phải hạ xuống 8%, 5%... rồi thì sau đấy có đề xuất tăng giá vì nhu cầu đầu tư mới có thể chấp nhận được chứ.
- Tác động của tăng giá xăng, theo Bộ trưởng, ảnh hưởng lớn nhất là đến những đối tượng hưởng lương nhà nước. Vậy tới đây tốc độ cải cách tiền lương có được đẩy nhanh hơn?
- Theo lộ trình thì từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục tăng lương. Nhưng hiện nay, phần ngân sách dùng để trả lương đang chiếm 1/3 tổng ngân sách. Nếu tăng gấp đôi tiền lương mà dùng ngân sách để chi trả thì sẽ không còn ngân sách dành cho đầu tư phát triển, chi cho các lĩnh vực xã hội, công ích.
Thế nên gắn với tăng lương, sẽ phải đẩy mạnh xã hội hoá các lĩnh vực giáo dục, y tế để tạo thêm những nguồn trả lương khác rồi thì mới có bước thay đổi cơ bản về tiền lương được.
Phong Lan