Một quan chức cơ quan nội vụ Hamas trong cuộc phỏng vấn trên đài Al-Aqsa TV ngày 31/3 cáo buộc Majed Faraj, lãnh đạo cơ quan tình báo của Chính quyền Palestine (PA) ở Bờ Tây, đang triển khai lực lượng an ninh tới miền bắc Dải Gaza để tìm cách kiểm soát khu vực này.
"Lực lượng an ninh của họ đã tiến vào cùng đoàn xe tải viện trợ thuộc tổ chức Trăng lưỡi liềm Đỏ của Ai Cập. Họ phối hợp hoạt động với các đơn vị Israel", quan chức an ninh của Hamas tuyên bố, nhưng không đưa ra bằng chứng.
Người này cho hay Hamas đã bắt 6 thành viên trong nhóm này khi họ đi cùng đoàn xe chở hàng viện trợ từ Ai Cập qua cửa khẩu Rafah. Các đơn vị cảnh sát Hamas đang truy lùng những thành viên còn lại trong nhóm.
Hamas tuyên bố cảnh sát và các nhóm dân quân trực thuộc sẽ xem mọi lực lượng xâm nhập Dải Gaza, mà không có sự đồng ý từ Hamas, đều là "phe chiếm đóng".
Một quan chức giấu tên tại Ramallah, nơi có các cơ quan Chính quyền Palestine tại Bờ Tây, đã lập tức bác bỏ cáo buộc từ Hamas.
Người này nhấn mạnh Bờ Tây không muốn tranh cãi qua truyền thông với Hamas, lo ngại làm phân tán sự chú ý của dư luận tới điểm mấu chốt là "nỗi đau của nhân dân Palestine tại Dải Gaza", cũng như thực trạng dân thường đang bị sát hại, chịu đói và mất nhà cửa trên vùng đất.
Chính quyền Palestine hiện do phong trào Fatah của Tổng thống Mahmoud Abbas dẫn dắt. Phong trào Fatah từng kiểm soát Dải Gaza, nhưng phải rút khỏi khu vực này sau khi Hamas giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2006 và thiết lập bộ máy quản lý dải đất.
Hai tổ chức theo đuổi lập trường đối lập nhau. Trong khi PA ủng hộ đàm phán tìm giải pháp hòa bình với Israel và hướng đến mô hình "hai nhà nước", Hamas chủ trương dùng bạo lực và sẵn sàng tiến hành cuộc chiến "một mất một còn" với Israel.
Trong các nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa bình cho Gaza thời gian qua, Mỹ có xu hướng ủng hộ PA trở thành lực lượng nắm quyền ở Dải Gaza sau khi xung đột Hamas - Israel kết thúc, từ đó hướng đến hồi sinh đàm phán giải pháp "hai nhà nước". PA trong tháng qua đã bổ nhiệm Thủ tướng mới và cải cách nội các, nhằm tăng uy tín cho Bờ Tây trong những cuộc đàm phán với Mỹ và cộng đồng các quốc gia Arab.
Giới chức Israel nhiều lần công khai phản đối phương án này, song vẫn chưa xác định đối tác nào sẽ kiểm soát Dải Gaza sau cuộc chiến.
Tel Aviv muốn giải giáp toàn bộ vùng đất, thành lập chính quyền dân sự được điều hành bởi "quan chức địa phương có kinh nghiệm quản trị hành chính" và không được liên kết với "những nước hay thực thể" có lập trường tấn công Israel. Theo phương án được chính quyền Thủ tướng Benjamin Netanyahu vạch ra, quân đội Israel sẽ tiếp tục giữ quyền "tự do vô hạn" để hoạt động trên khắp Dải Gaza, cũng như thành lập vùng đệm an ninh dọc biên giới.
Thanh Danh (Theo Reuters)