"Tài liệu tôn chỉ của Thủ tướng thể hiện đồng thuận phổ biến trong dư luận về các mục tiêu cuộc chiến và kỳ vọng thay thế quyền lãnh đạo của Hamas tại Dải Gaza bằng mô hình dân sự", Văn phòng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 23/2 bình luận, sau khi thông báo kế hoạch về tương lai Dải Gaza hậu xung đột đã được gửi cho nội các thảo luận.
Bản kế hoạch này vẫn giữ điều kiện tiên quyết cho tương lai Dải Gaza là giải thể tổ chức Hamas cùng lực lượng Jihad Hồi giáo (PIJ), đảm bảo toàn bộ con tin còn bị giam tại Dải Gaza được tự do.
Thủ tướng Netanyahu muốn quân đội Israel (IDF) tiếp tục giữ quyền "tự do vô hạn" để hoạt động trên khắp Dải Gaza. Ông đặt ra điều kiện này với kỳ vọng chặn đứng nguy cơ an ninh khác có thể trỗi dậy. Ông cũng nêu tầm nhìn Israel duy trì kiểm soát an ninh "trên toàn bộ vùng đất phía tây Jordan" gồm cả đất liền, vùng biển và vùng trời nhằm ngăn chặn mối đe dọa ở cả khu vực Bờ Tây và Dải Gaza.
Israel muốn thành lập chính quyền dân sự tại khu vực, được điều hành bởi "quan chức địa phương có kinh nghiệm quản trị hành chính" và không được liên kết với "những nước hay thực thể" có lập trường tấn công Israel.
"Israel sẽ tiếp tục dự án thiết lập vùng đệm an ninh dọc biên giới ở phía Palestine", AFP dẫn nội dung bản kế hoạch, trong đó có đoạn nhấn mạnh vùng đệm này sẽ được duy trì "đến khi nào vẫn còn nhu cầu an ninh".
Ông Netanyahu cho rằng Dải Gaza cần "được phi quân sự hóa toàn diện" để duy trì trật tự. Tel Aviv ủng hộ "phi cực đoan hóa tôn giáo, giáo dục và các thiết chế phúc lợi ở Dải Gaza", trong đó có yêu cầu chấm dứt hiện diện của cơ quan Liên Hợp Quốc Hỗ trợ Người tị nạn Palestine (UNRWA).
Ngoài ra, Israel muốn phối hợp với Ai Cập tăng cường kiểm soát biên giới Ai Cập - Gaza, ngăn các nhóm vũ trang hoạt động và cấm buôn lậu.
Tel Aviv phản đối mọi nỗ lực "đơn phương thừa nhận" chính quyền Palestine, cho rằng vấn đề Palestine chỉ có thể được giải quyết qua đàm phán trực tiếp giữa Israel và Palestine. Tuy nhiên, kế hoạch của ông Netanyahu không đề cập cụ thể tổ chức chính trị nào đại diện cho Palestine trong viễn cảnh đàm phán.
Chính quyền Palestine (PA) ở Bờ Tây do Tổng thống Mahmud Abbas đứng đầu đã lập tức bác bỏ đề xuất từ Thủ tướng Netanyahu.
Nabil Abu Rudeineh, người phát ngôn của ông Abbas, nhấn mạnh tương lai duy nhất của Dải Gaza là một phần nhà nước Palestine độc lập với thủ đô Jerusalem. "Bất kỳ kế hoạch nào đi ngược lại tầm nhìn này đều chắc chắn sẽ thất bại. Israel không thể thay đổi thực tế địa lý và nhân khẩu học tại Dải Gaza", Rudeineh cảnh báo.
Chính quyền của ông Abbas khẳng định "Israel cần chấm dứt chiếm đóng lãnh thổ Palestine và công nhận nhà nước Palestine độc lập với thủ đô là Jerusalem" thì khi đó, khu vực mới có thể tái lập an ninh và ổn định.
Thanh Danh (Theo AFP, Reuters)