Ông Đoàn Văn Tấn, Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị (thuộc Sở Giao thông Vận tải TP HCM - chủ đầu tư) chiều 19/3 cho biết, dự án đang chuẩn bị hoàn tất các thủ tục liên quan, dự kiến khởi công giữa tháng 4, hoàn thành trong 6 tháng.
Hệ thống chữa cháy gồm nhiều thiết bị như các loại máy bơm; đường ống cấp nước, đầu phun; hệ thống cấp nguồn..., có khả năng phun sương áp lực cao, tự động phát hiện và chữa cháy khi hỏa hoạn mới bùng phát. Thiết bị có thể phân chia khu vực sự cố thành các vùng nhỏ để tăng độ chính xác trong xử lý và tự động điều khiển các đầu phun theo kịch bản được lập trình.
Theo chủ đầu tư, hệ thống chữa cháy này được nhiều nước sử dụng ở các hầm đường bộ. Việc tự động khống chế và dập tắt lửa mới phát sinh giúp tăng khả năng kiểm soát, hạn chế cháy lan và góp phần bảo vệ kết cấu công trình. Hiện, công tác chữa cháy ở hầm vượt sông Sài Gòn chủ yếu hình thức thủ công với lực lượng ứng cứu tại chỗ, trước khi đơn vị chuyên nghiệp có mặt.
Khánh thành năm 2011, hầm vượt sông Sài Gòn là hạng mục quan trọng nhất của đại lộ Đông Tây (trục đường Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ). Công trình có quy mô hiện đại nhất Đông Nam Á, dài 1,49 km, rộng 33 m, cao 9 m với 6 làn xe (mỗi bên 3 làn cho ôtô và xe máy); tốc độ đạt 60 km/h. Hầm còn có hai làn thoát hiểm hai bên. Hiện mỗi ngày trung bình có khoảng 55.000 lượt ôtô, 300.000 lượt xe máy đi qua hầm.
Những năm qua, hầm vượt sông Sài Gòn được tổ chức hoạt động thường niên diễn tập chữa cháy. Việc này nhằm chuẩn bị kịch bản giảm thiểu thấp nhất thiệt hại khi có sự cố; nâng cao trình độ nghiệp vụ chữa cháy, tìm kiếm cứu nạn và phối hợp giữa các đơn vị...
Gia Minh