Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 21/2 công nhận độc lập với hai khu vực ly khai tại Ukraine, động thái làm gia tăng căng thẳng với phương Tây, trong bối cảnh những lo ngại Nga động binh với quốc gia láng giềng vẫn chưa lắng xuống.
Quyết định của ông chủ Điện Kremlin được đưa ra sau hàng loạt diễn biến leo thang gần đây ở miền đông Ukraine, nơi chìm trong xung đột dai dẳng kéo dài suốt gần 8 năm qua giữa phe ly khai do Nga hậu thuẫn và quân đội chính phủ, khiến hơn 14.000 người thiệt mạng.
Sau khi tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych bị lật đổ bởi phong trào biểu tình trong nước vào tháng 2/2014, Nga đã sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào lãnh thổ. Moskva sau đó hỗ trợ phong trào ly khai ở khu vực miền đông Donbass, nơi chủ yếu nói tiếng Nga.
Đến tháng 4/2014, phe ly khai thân Nga chiếm các tòa nhà chính phủ ở vùng Donetsk và Luhansk, tự nhận là các "nước cộng hòa nhân dân", đối đầu với quân đội và những nhóm dân quân tình nguyện Ukraine.
Tháng sau đó, các khu vực ly khai tổ chức bỏ phiếu phổ thông để tuyên bố độc lập và cố gắng trở thành một phần của Nga. Moskva lúc bấy giờ không chấp nhận phương án này, chỉ sử dụng các khu vực do phe ly khai kiểm soát như công cụ để gây ảnh hưởng lên Kiev và ngăn Ukraine gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Ukraine và phương Tây cáo buộc Nga hỗ trợ vũ khí và quân lực cho phe ly khai. Moskva bác bỏ, khẳng định bất kỳ người Nga nào tham chiến ở những khu vực đó đều là tự nguyện.
Giữa những trận giao tranh ác liệt với xe tăng, pháo hạng nặng và máy bay chiến đấu, chuyến bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines đã bị bắn rơi ở miền đông Ukraine vào ngày 17/7/2014, khiến tất cả 298 người trên khoang thiệt mạng. Một cuộc điều tra quốc tế kết luận máy bay bị bắn bởi tên lửa do Nga cung cấp từ phần lãnh thổ do phe ly khai kiểm soát. Moskva phủ nhận mọi mối liên quan.
Sau những thất bại nặng nề của quân đội Ukraine, tháng 9/2014, các phái viên từ Kiev, phe ly khai cùng Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) đã ký một thỏa thuận ngừng bắn tại thủ đô Minsk của Belarus.
Theo đó, OSCE sẽ giám sát việc thực hiện lệnh ngừng bắn, tất cả các binh sĩ nước ngoài phải rút lui khỏi khu vực giao tranh, đôi bên tiến hành trao đổi tù nhân và con tin, đồng thời các khu vực do phe ly khai kiểm soát sẽ được hưởng một mức độ tự trị nhất định.
Tuy nhiên, thỏa thuận nhanh chóng sụp đổ và giao tranh quy mô lớn tiếp tục nổ ra, dẫn đến một thất bại lớn khác cho các lực lượng vũ trang Ukraine tại Debaltseve vào tháng một và tháng 2/2015.
Pháp và Đức đã đứng ra làm trung gian cho một thỏa thuận hòa bình khác, được ký kết tại Minsk vào tháng 2/2015 bởi các đại diện của Ukraine, Nga và phe ly khai. Theo đó, một lệnh ngừng bắn mới được ký kết, các bên liên quan cam kết rút vũ khí hạng nặng khỏi khu vực. Các lãnh đạo nga, Ukraine, Pháp, Đức (Bộ Tứ Normandy) ra tuyên bố ủng hộ thỏa thuận.
Thỏa thuận hòa bình năm 2015 là một thắng lợi ngoại giao lớn đối với Điện Kremlin, buộc Ukraine phải cấp quy chế đặc biệt cho các khu vực ly khai, cho phép họ thành lập lực lượng cảnh sát riêng và có tiếng nói trong quá trình bổ nhiệm các công tố viên và thẩm phán địa phương.
Nó cũng quy định rằng Ukraine chỉ có thể giành lại quyền kiểm soát một khu vực dài khoảng 200 km dọc biên giới với Nga trong vùng lãnh thổ do phe ly khai kiểm soát sau khi họ giành được quyền tự trị và tổ chức các cuộc bầu cử địa phương do OSCE giám sát. Việc bỏ phiếu này gần như chắc chắn sẽ giữ chân phe ly khai thân Nga nắm quyền lãnh đạo.
Nhiều người Ukraine coi đây là hành động phản bội lợi ích quốc gia, do đó việc thực hiện thỏa thuận bị đình trệ. Thỏa thuận Minsk giúp chấm dứt xung đột toàn diện nhưng tình hình vẫn căng thẳng và các cuộc giao tranh vẫn tiếp diễn thường xuyên.
Do thỏa thuận Minsk không được tuân thủ đầy đủ, mục tiêu của Moskva sử dụng các khu vực ly khai nhằm gây ảnh hưởng trực tiếp đến chính trị Ukraine đã thất bại, tuy nhiên, xung đột vẫn rút cạn nguồn lực của Kiev và cản trở mục tiêu gia nhập NATO, vốn được ghi trong hiến pháp Ukraine.
Moskva cũng nỗ lực duy trì ảnh hưởng của mình đối với các khu vực ly khai bằng cách cấp hơn 720.000 hộ chiếu Nga cho người dân tại đây, chiếm khoảng 1/5 dân số. Nga cũng hỗ trợ kinh tế và tài chính cho các lãnh thổ ly khai, nhưng viện trợ không đủ để giảm bớt thiệt hại từ các cuộc giao tranh và củng cố nền kinh tế. Khu vực Donbass chiếm khoảng 16% GDP Ukraine trước khi xảy ra xung đột.
Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng do Nga tập trung quân gần Ukraine, Pháp và Đức đã bắt tay vào các nỗ lực mới nhằm hồi sinh thỏa thuận năm 2015, với hy vọng nó có thể giúp tháo gỡ tình trạng bế tắc hiện tại.
Trước những lời kêu gọi từ Đức và Pháp, giới chức Ukraine vẫn chỉ trích thỏa thuận Minsk, cảnh báo nó có thể khiến đất nước sụp đổ. Hai vòng đàm phán tại Paris và Berlin giữa các phái viên của Tổng thống Nga, Ukraine, Pháp và Đức đã không đạt được bất kỳ tiến triển nào.
Trong khi đó, Hạ viện Nga tuần trước bắt đầu hối thúc Tổng thống Putin công nhận nền độc lập của các khu vực ly khai ở miền đông Ukraine.
Việc Putin công nhận nền độc lập của các vùng lãnh thổ ly khai đã phá vỡ thỏa thuận hòa bình Minsk và làm trầm trọng hơn căng thẳng với phương Tây. Ông nói rằng Moskva sẽ ký hiệp ước hữu nghị với phe ly khai, một động thái mở đường giúp Nga có thể công khai hỗ trợ quân sự và vũ khí cho họ.
Động thái này được thực hiện sau nhiều ngày pháo kích nổ ra ở Donetsk và Luhansk. Ukraine và phương Tây cáo buộc Mosva kích động căng thẳng để tạo cớ cho một cuộc xâm lược. Đáp lại, Nga cáo buộc Ukraine đang cố gắng giành lại các vùng lãnh thổ do phe ly khai kiểm soát bằng vũ lực, điều mà Kiev một mực bác bỏ.
Hôm 18/2, các lãnh đạo phe ly khai công bố một video thông báo sơ tán dân thường ở Donetsk và Luhansk vì cái mà họ gọi là "hành động gây hấn" của chính phủ Ukraine. Theo dữ liệu trong file video, các tuyên bố được ghi lại từ trước đó hai ngày, khi tình hình vẫn tương đối yên ổn. Điều này dường như cho thấy một kế hoạch có chủ ý đích nhằm chia cắt hoàn toàn các khu vực ly khai khỏi Ukraine.
Các lãnh đạo ly khai hôm 21/2 đưa ra các tuyên bố trong một video mới, thúc giục Tổng thống Putin công nhận nền độc lập của các khu vực do họ kiểm soát và lãnh đạo Nga đã phản ứng nhanh chóng bằng cách triệu tập một cuộc họp của Hội đồng An ninh, sau đó ký sắc lệnh công nhận trong một buổi lễ được phát sóng trên truyền hình.
Vũ Hoàng (Theo AP)