"Các công ty BĐS cứ đổ lỗi cho quy định làm cho họ gặp khó, nhưng tôi giả sử cho họ làm theo ý muốn thì cuối cùng vẫn ách tắc. Nguyên nhân vì người dân có nhu cầu về nhà ở chứ không có nhu cầu mua biệt thự hay khu nghỉ dưỡng.
Thời gian trước đây vì dùng đòn bẩy tài chính cao nên họ buộc phải làm các dự án có giá trị sổ sách lớn, rồi lại phải lớn hơn nữa chứ không thể làm nhà bình dân, cũng chả khác gì hình thức chiến lượt đánh cược (martingale) trong đầu cơ".
Bạn đọc có nickname johansirius nhận định nguyên nhân chính khiến bất động sản ách tắc đến từ việc nhiều doanh nghiệp lựa chọn phân khúc cao cấp, biệt thự hơn là nhà để ở cho người mua. Nhận định trên nằm dưới bài viết Bất động sản vẫn ách tắc dù được tháo gỡ.
Độc giả nickname nguyenduynguyen308 nói: "Thị trường căn hộ hiện nay có nguồn cung toàn những sản phẩm cao cấp vượt qua khả năng của người dân. Nhà ở xã hội nếu muốn được sở hữu thì phải có những điều kiện rất khó".
Độc giả qngtin1210 phân tích: "Vấn đề chính là kinh tế chỉ phát triển mạnh ở hai thành phố lớn thu hút lượng lớn dân cư đổ về sinh sống, làm đẩy giá BĐS lên cao. Doanh nghiệp bất động sản đầu tư xây chung cư thì việc giá đất cao cũng vô tình biến giá chung cư không thể thấp như trước kia, mà đa phần là hạng cận cao cấp đổ lên. Trong khi đó tình hình phát triển kinh tế và GDP bình quân lại không thể theo kịp mức tăng đó".
Đồng ý với nhận định trên, độc giả Nguyễn văn Thành nói giá thành xây dựng căn hộ không rẻ: "Nói giá nhà đất cao là đang so sánh với thu nhập thấp của đa phần người dân. Do các chi phí tạo nên giá thành căn nhà và thu nhập thấp của người dân chưa đến điểm cân bằng nên lĩnh vực bất động sản nhà đất còn ách tắc".
Phát triển nhà ở xã hội được coi là một trong số giải pháp tái cấu trúc, cân bằng thị trường bất động sản. Khảo sát của Bộ Xây dựng chỉ ra, nhu cầu về nhà ở xã hội cho công nhân thu nhập thấp khoảng 2,4 triệu căn tới 2030.
Độc giả nickname cố lên cho rằng cần cân bằng nghịch lý nhu cầu nhà ở:
"Phân khúc nhà ở giá bình dân là phân khúc có nhu cầu ở thực, nhu cầu lúc nào cũng dồi dào nhưng nghịch lý là nguồn cung lại ít nhất. Cần có giải pháp thực tế, thiết thực để đáp ứng phân khúc này thì thị trường bất động sản mới phát triển ổn định được".
Để tháo ách tắc cho bất động sản, theo độc giả Chieu Le có hai việc cần làm:
Thứ nhất, giá phải giảm rất sâu, đến khi người có nhu cầu mua để ở chấp nhận được đó mới là giá thực của thị trường thì doanh nghiệp BĐS sẽ bán được hàng tồn kho.
Thứ hai, các cơ quan chức năng phải việc một cách rất nhiệt tình, công tâm minh bạch giải quyết bằng mọi cách có lợi cho dân (hãy giải quyết quyền lợi của người dân và doanh nghiệp như giải quyết cho mình) thì sẽ có lợi cả ba bên là: Doanh nghiệp bán được hàng, người mua có nhà ở, tài sản được công nhận, nhà nước thu được thuế".
Cơ quan thẩm tra của Quốc hội đánh giá, thị trường bất động sản vẫn ách tắc pháp lý, quỹ đất, vốn đầu tư dù Chính phủ, Thủ tướng có nhiều giải pháp đôn đốc. Nhận định này được nêu tại báo cáo tổng hợp vấn đề chất vấn vừa được Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường gửi tới các đại biểu. Theo chương trình, Quốc hội sẽ chất vấn việc thực hiện các nghị quyết từ đầu nhiệm kỳ trong lĩnh vực xây dựng vào chiều 6/11. Theo đó, Chính phủ đã có nhiều động thái, ban hành nhiều văn bản tháo gỡ khó khăn cho thị trường này, như công điện, văn bản đôn đốc của Thủ tướng yêu cầu các bộ, địa phương tái cơ cấu thị trường bất động sản. Tuy nhiên, thị trường này, trong đó có thị trường nhà ở vẫn khó khăn, ách tắc từ thủ tục pháp lý, quỹ đất và vốn đầu tư. Một số thủ tục hành chính về đầu tư rườm rà, gây cản trở, các phân khúc thị trường còn lệch, vốn tín dụng đầu tư vào thị trường này còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì khó khăn, danh nghiệp bất động sản phải dừng đầu tư, thi công dự án và việc này cũng kéo theo khó khăn của nhà thầu, cung ứng vật liệu và nhiều ngành nghề khác. Bên cạnh đó, giá nhà ở còn ở mức khá cao so với thu nhập của người dân, theo cơ quan thẩm tra. Mặt bằng giá nhà cao cũng được nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ lo ngại khi thảo luận Luật Đất đai (sửa đổi) hôm 3/11. Ông Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch thường trực tỉnh Quảng Trị, cho rằng Việt Nam đang trong quá trình đô thị hóa nhanh, dân cư dồn về đô thị, nếu không mở rộng nguồn cung nhà ở thì không đáp ứng nhu cầu, giá nhà ở sẽ cao. "Giá nhà cao so với thu nhập chung như vậy thì bắt buộc người dân phải ở trong những căn hộ dưới ngưỡng an toàn. Không ít trường hợp do không chịu được chi phí mua nhà nên đã chấp nhận xây nhà ở trên đất nông nghiệp", ông nói. Trong một báo cáo đưa ra hồi tháng 5, Cushman & Wakefield Việt Nam, đơn vị tư vấn trong lĩnh vực bất động sản, cho rằng giá nhà ở tại Việt Nam hiện cao hơn khoảng 20 lần so với thu nhập bình quân đầu người hàng năm. Điều này khiến người Việt ngày càng khó sở hữu nhà ở. |
Hữu Nghị tổng hợp
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.