Phẫu thuật nâng ngực là một trong những cách giúp bạn thay đổi kích cỡ vòng một nhanh chóng. Nhưng trước khi đưa ra quyết định về việc "dao kéo", bạn cần xem xét nhiều yếu tố.
Khi thẩm mỹ, bạn sẽ được bác sĩ có tay nghề tư vấn để có được quyết định cuối cùng về nhiều vấn đề. Một trong số đó là vị trí sẽ cấy ghép khi nâng ngực. Có hai vị trí để đặt mô cấy ngực: trên và dưới cơ ngực. Việc lựa chọn vị trí đặt túi độn tùy thuộc vào độ tập trung, thể tích mô mỡ và tuyến vú còn lại, cũng như mong muốn của bệnh nhân sau khi được bác sĩ giải thích về ưu và nhược điểm của mỗi vị trí.
1. Đặt túi ngực ở trên các cơ
Bóc tách để tạo một khoang rỗng ở trên cơ ngực, sau đó đưa túi độn vào. Vị trí này có ưu điểm là ít đau và túi độn không bị dịch chuyển. Với những bệnh nhân đã có sẵn mô tuyến vú, da và mô tương đối dày, đủ để che được túi ngực không bị lộ, bạn có thể chọn vị trí này. Ngược lại, nếu da và mô quá mềm, mỏng thì không nên vì hình dạng túi ngực dễ bị lộ ra.
Ưu điểm: Vì đặt túi độn ở ngay trên các cơ ngực, dưới mô vú nên thời gian hồi phục thường nhanh hơn vì có ít chấn thương tác động tới các mô cơ bản. Việc đặt túi ở trên cũng giúp vòng một được nâng lên đáng kể.
Nhược điểm: Khi ca cấy ghép được thực hiện quá gần bề mặt da, dễ bị lộ túi độn.
2. Đặt túi ngực ở dưới các cơ
Bóc tách để tạo một khoang rỗng ở dưới các cơ, thường nằm giữa cơ ngực lớn và nhỏ, rồi đặt túi ngực. Vì đặt sâu vào bên trong nên túi độn sẽ được che giấu kỹ hơn, không bị nhìn thấy qua các nếp nhăn trên da và khi chạm vào cũng khó cảm nhận được vì đã có lớp cơ che đậy. Với những người có vóc dáng gầy, thanh mảnh hoặc các bệnh nhân định đặt túi nước muối sinh lý (saline), thì đây là lựa chọn phù hợp.
Ưu điểm: Vì cấy ghép ở dưới cơ ngực nên ít bị phát hiện và hoạt động như một chiếc áo ngực ở bên trong vú, túi được giữ nguyên tại chỗ. Túi ngực được bao phủ một phần bởi các cơ nên nó ít gây ra các vấn đề khi chụp X-quang tuyến vú. Vòng một nhìn tự nhiên hơn.
Nhược điểm: Vì giải phẫu bên trong các mô nên sẽ đau đớn hơn, nhất là trong giai đoạn hồi phục.
Tuổi thọ của túi độn có thể kéo dài nhiều năm, thậm chí suốt đời mà không có sự thay đổi lớn. Các túi độn giảm tuổi thọ tùy thuộc vào độ bền và hiện tượng bào mòn vỏ túi.
Thùy Liên
Ảnh: Shutterstock