Giám đốc điều hành AstraZeneca Pascal Soriot cho biết 400 triệu liều sẽ dành cho Mỹ và Anh. Hơn một tỷ liều còn lại dự kiến phân phối đến các quốc gia thu nhập thấp, trung bình.
Thời gian phân phối phụ thuộc vào kết quả nghiên cứu lâm sàng, dự kiến công bố trong tháng 8. Quá trình thử nghiệm và sản xuất diễn ra song song, ngay cả khi vaccine chưa được chứng minh là an toàn và hiệu quả. Đây là điều chưa từng có tiền lệ trong ngành dược.
"Chúng tôi cực kỳ tập trung và tận tâm. Giữa lúc đại dịch tác động lên nền kinh tế và con người, khi đang phát triển một thứ thế này (vaccine), bạn không thể phỏng đoán điều gì sẽ xảy ra, cũng không nên mất thời gian chờ xem nó có hiệu quả hay không. Chúng tôi đánh cược", ông Soriot nói.
AstraZeneca đã ký một thỏa thuận cấp phép với Viện Huyết thanh Ấn Độ, cam kết cung cấp một tỷ liều vaccine cho các nước thu nhập thấp và trung bình vào cuối năm nay.
Vaccine mang tên AZD1222 được phát triển tại Viện Jenner, trực thuộc Đại học Oxford. Các nhà khoa học đã sử dụng một loại virus bất hoạt, chứa trình tự di truyền protein gai nCoV, kích hoạt hệ miễn dịch bảo vệ người khỏe mạnh khỏi sự xâm nhập của virus. Nghiên cứu đang bước vào giai đoạn hai, thử nghiệm trên 10.000 người trưởng thành, khỏe mạnh. Theo thông báo của AstraZeneca, các tình nguyện viên dung nạp tốt sau khi tiêm chủng.
Khi được hỏi về độ hiệu quả của sản phẩm, ông Soriot nói: "Khả năng vaccine hoạt động là khá cao, dựa trên những gì chúng tôi quan sát được hiện tại". Công ty đã thiết lập một nền tảng dữ liệu toàn diện. Giai đoạn cuối của nghiên cứu dự kiến có hơn 50.000 người tham gia.
Theo Richard Hatchett, giám đốc điều hành Liên minh Đổi mới và Chuẩn bị Dịch tễ, việc tiến hành sản xuất và thử nghiệm song song giúp quá trình phân phối diễn ra sớm nhất có thể.
"Chúng tôi tin mình đủ năng lực cung cấp vaccine cho hàng trăm triệu người trên khắp thế giới, đặc biệt là ở những quốc gia thu nhập thấp nhất. Mục tiêu là không ai bị bỏ lại phía sau", ông Soriot khẳng định.
Thục Linh (Theo CNBC)