Được thiết kế kỹ thuật từ tháng 10/2009, dự án đường sắt số 1 (Yên Viên - Ngọc Hồi) phải tạm dừng triển khai từ tháng 4/2014 do ảnh hưởng từ việc Tư vấn Nhật Bản JTC đưa hối lộ cho quan chức đường sắt, hiện vẫn chưa được tái khởi động.
Tuyến đường sắt đô thị Yên Viên - Ngọc Hồi dài 15 km, được phê duyệt tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 19.459 tỷ đồng. Trước khi xảy ra vụ JTC, dự án này đã giải ngân được 1.061 tỷ đồng, trong đó 691 tỷ đồng vốn ODA cho thiết kế kỹ thuật, 370 tỷ đồng cho giải phóng mặt bằng.
Đầu tháng 10 vừa qua, Bộ Giao thông đã kiến nghị Chính phủ phân kỳ giai đoạn 1 tập trung đầu tư khu tổ hợp Ngọc Hồi, ga Hà Nội, ga Giáp Bát với tổng mức đầu tư dự kiến 17.376 tỷ đồng. Giai đoạn 2 sẽ xây dựng tuyến đường sắt đô thị Ngọc Hồi - ga Hà Nội với tổng mức đầu tư hơn 28.800 tỷ đồng. Đoạn Hà Nội - Gia Lâm bao gồm cầu sông Hồng sẽ được phân kỳ giai đoạn tiếp theo.
Tuyến đường sắt đô thị số 2 (Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo) cũng đang bị đình trệ do phải chờ đợi Bộ Kế hoạch Đầu tư thẩm định tổng vốn đầu tư điều chỉnh. Dự án này được duyệt năm 2008 có tổng mức đầu tư 19.555 tỷ đồng (tương đương 131 tỷ Yên), mặc dù chưa triển khai song năm 2013 phải điều chỉnh tổng vốn đầu tư lên đến 51.700 tỷ đồng.
Theo đại diện Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội, hết năm 2016, hiệp định vay vốn với JICA sẽ hết hiệu lực, nếu không có gói thầu nào triển khai thì dự án này sẽ phải đánh giá lại, gây mất thời gian và tốn kém chi phí. Do đó, đơn vị này mong muốn cơ quan chức năng nhanh thẩm định tổng vốn đầu tư và khởi công gói thầu xây dựng khu depot (khu kỹ thuật, bảo dưỡng) trong năm 2016.
Mặc dù được khởi công từ năm 2010, tuyến tàu điện ngầm đầu tiên Nhổn - ga Hà Nội vẫn triển khai rất ì ạch. Hiện nay các ga ngầm, nổi thuộc quận Đống Đa, quận Ba Đình chưa được giải phóng mặt bằng. Mới đây, UBND Hà Nội đã chỉ đạo các quận ưu tiên đẩy nhanh giải phóng mặt bằng các ga ngầm cho dự án theo tiến độ cam kết với các nhà tài trợ.
Trên công trường thi công nhiều nhà ga đoạn Cầu Giấy - Xuân Thủy rất vắng lặng. Theo Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tiến độ các gói thầu xây lắp mới đạt trên 20%.
Kiểm soát tiến độ chặt chẽ nhất hiện nay là dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Mặc dù thời gian đầu, dự án này triển khai chậm và tăng vốn đầu tư hơn 300 triệu USD song đang được đẩy nhanh tiến độ. Theo Ban quản lý dự án đường sắt, dự án đã hoàn thành toàn bộ trụ cầu khu gian và trụ nhà ga, lắp đặt 86% xà mũ các nhà ga. Ga La Khê đang đã thi công xong kết cầu khung, đang lắp đặt mái vòm, ga Cát Linh đang đóng cọc, trụ cột... Dự án đã giải ngân đạt 66% kế hoạch, trong đó giải ngân vốn đối ứng Việt Nam đạt 83%.
Bộ Giao thông Vận tải đã chốt tiến độ hoàn thành xây dựng dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào giữa năm 2016 và khai thác thương mại trong năm 2016.
Tại cuộc họp Bộ Giao thông Vận tải ngày 19/11, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, Bộ Giao thông Vận tải sẽ báo cáo Chính phủ những vướng mắc cần tháo gỡ cho các dự án đường sắt đô thị Hà Nội và yêu cầu đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ dự án, nhất là công tác giải phóng mặt bằng, ký kết các hiệp định vay vốn...
Đoàn Loan