Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, sáng 8/7 công bố điểm chuẩn theo phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực. Trường chia 28 ngành thành hai nhóm. Bốn ngành Toán học, Toán tin, Khoa học máy tính và thông tin, Khoa học dữ liệu xét tuyển bằng cách nhân đôi điểm môn Toán trong bài thi đánh giá năng lực, tối đa 200. Bốn ngành ngày có điểm chuẩn 140-150.
Nhóm còn lại không nhân hệ số môn nào. Hóa Dược lấy điểm chuẩn đánh giá năng lực cao nhất với 102/150 điểm, Kỹ thuật điện tử và tin học 100, các ngành khác từ 80 trở lên.
Tối 7/7, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cũng công bố điểm chuẩn với nhóm thí sinh dùng kết quả thi đánh giá năng lực.
Ngành Quan hệ công chúng lấy 100/150 điểm, bằng năm ngoái và cao nhất trong 27 ngành của trường. Ngành Tâm lý học cao thứ hai với 90 điểm, còn lại dao động quanh mức 80. Năm nay, trường dành 30% trong tổng số 2.000 chỉ tiêu cho phương thức này.
Ngoài ra, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn còn xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, theo đề án riêng của Đại học Quốc gia; xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế với điểm thi tốt nghiệp THPT và xét ba môn thi tốt nghiệp.
Cùng ngày, trường Đại học Ngoại ngữ cũng công bố điểm chuẩn với kết quả thi đánh giá năng lực, phương thức chiếm 34% trong số 1.650 chỉ tiêu.
Trong khi điểm chuẩn với điểm kỳ thi riêng của Đại học Quốc gia Hà Nội dao động 90-120/150, điểm chuẩn năng lực của Đại học Quốc gia TP HCM chỉ có một mức 960/1.200. Sư phạm tiếng Nhật, tiếng Trung, tiếng Anh cùng lấy ngưỡng trúng tuyển cao nhất, kế đó là Ngôn ngữ Anh 110. Ngôn ngữ Nga và Ngôn ngữ Ả Rập lấy 90 điểm - thấp nhất trong 13 ngành.
Trường cũng công bố ngưỡng trúng tuyển với nhóm thí sinh có chứng chỉ quốc tế. Cụ thể: Với A-Level (chứng chỉ phổ thông bậc cao), thí sinh phải đạt kết quả ba môn (bắt buộc có Toán và Ngữ văn) từ 60/100 điểm trở lên. Nếu dùng chứng chỉ SAT và ACT (bài thi chuẩn hóa của các đại học Mỹ), thí sinh cần đạt 1.100/1.600 và 22/36 trở lên.
Một số ngành như Sư phạm tiếng Anh, tiếng Trung, Ngôn ngữ Anh, Đức, trường Đại học Ngoại ngữ lấy điểm chuẩn SAT cao hơn, từ 1.280 trở lên.
Năm nay, các trường thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội có bốn phương thức xét tuyển, tương tự năm ngoái, gồm xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy định; xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT 2023 (chiếm 30-70% chỉ tiêu); xét tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức; các phương thức khác (sử dụng điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP HCM, xét tuyển chứng chỉ quốc tế).
Học phí năm học 2023-2024 của các trường thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội dao động 9,8-112,7 triệu đồng. Trong đó, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thu mức 15-25, trường Đại học Ngoại ngữ 15-60 triệu đồng.
Thanh Hằng