Năm 2020, Đại học Tài nguyên và Môi trường mở 5 ngành mới, gồm: Marketing - Truyền thông; Quản trị khách sạn; Logistic và Quản trị chuỗi cung ứng; Đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm; Sinh học ứng dụng.
Trường dự kiến tuyển 3.970 chỉ tiêu ở 23 ngành, trong đó 50% sử dụng kết quả thi THPT quốc gia, 50% xét học bạ. Kế toán tuyển nhiều nhất (400), kế đó là Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành (380), Quản lý đất đai (340). Ba ngành Marketing, Quản trị khách sạn, Logistic và Quản trị chuỗi cung ứng cùng tuyển 300 chỉ tiêu.
Để đăng ký xét tuyển, thí sinh sử dụng kết quả của một trong các tổ hợp A00 (Toán, Vật lý, Hóa học), A01 (Toán, Vật lý, tiếng Anh), B00 (Toán, Hóa học, Sinh học), D01 (Toán, Ngữ Văn, tiếng Anh), C00 ( Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý), C02 (Ngữ văn, Toán, Hóa học), B02 (Toán, Sinh học, Địa lý), C07 (Ngữ văn, Vật lý, Lịch sử), C09 (Ngữ văn, Vật lý, Địa lý), D08 (Toán, Sinh học, tiếng Anh), D15 (Ngữ văn, Địa lý, tiếng Anh), B08 (Toán, Sinh học, tiếng Anh).
Năm 2019, điểm trúng tuyển Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội từ 14 đến 15,5 Trong đó, đa số ngành lấy mức 14.
Năm học 2020-2021, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam tuyển 1.150 sinh viên, nhiều hơn năm ngoái 200, tại 6 ngành, gồm: Quan hệ công chúng, Quản lý nhà nước, Luật, Xây dựng Đảng và Chính quyền nhà nước, Công tác xã hội, Công tác thanh thiếu niên.
Trường tuyển sinh theo phương thức xét kết quả thi THPT quốc gia và xét học bạ, mỗi phương thức 50% chỉ tiêu, xét điểm từ cao xuống thấp.
Những thí sinh xét tuyển theo điểm thi THPT quốc gia 2020 phải đạt từ 14 điểm trở lên và không môn nào trong tổ hợp xét tuyển bị liệt.
Đối với phương thức xét học bạ, thí sinh phải có điểm trung bình lớp 12 của ba môn trong tổ hợp tối thiểu 18, mỗi môn không thấp hơn 6.
Năm 2019, 5 trên 6 ngành của trường lấy điểm trúng tuyển 15, duy nhất ngành Luật lấy 16.
Thanh Hằng