![]() |
Samsung chiếm ngay trung tâm hội trường để trưng bày TV màn hình phẳng các loại. Ảnh: Hoàng Hà. |
Mặc dù mấy ngày qua, Hà Nội mưa rầm rì, nhưng rất nhiều người vẫn nô nức kéo nhau tham quan triển lãm. Người chơi âm thanh lâu năm thì thâm trầm, vừa nghe vừa thẩm định, những người mới tập tễnh bước vào thế giới của âm sắc và hình ảnh thì trầm trồ, và háo hức. Lại có những người chỉ đến vì tò mò, muốn chiêm ngưỡng những màn hình khổng lồ và những thiết bị âm thanh đắt tiền.
Toàn cảnh triển lãm
![]() |
Chỉ có Samsung trưng bày điện thoại. Ảnh: B.V. |
Tuy nhiên, quy mô triển lãm Thiết bị nghe nhìn và Viễn thông quốc tế năm nay chưa đáp ứng được lòng mong mỏi của những người quan tâm. Chỉ có vẻn vẹn 9 đơn vị tham gia triển lãm trên diện tích 1.000 m2. Samsung chiếm mảnh đất đẹp nhất và hoành tráng nhất ở trung tâm hội trường với những màn hình Plasma, LCD và DLP hoành tráng. Cùng với màn hình là điện thoại di động. Samsung đã tận dụng cơ hội này để quảng bá cho bộ sưu tập điện thoại siêu mỏng Ultra của mình. Tuy nhiên, Samsung lại là hãng duy nhất mang điện thoại tơi đây trưng bày.
![]() |
Và màn hình LCD hoàng tráng. Ảnh: B.V. |
Hai công ty có tiếng trong giới âm thanh, công ty Hoàng Hải và Audio Thanh Tùng, mỗi bên sở hữu hai phòng nghe bên trái gian triển lãm để trưng bày thiết bị âm thanh và hệ thống home theater. Các hãng nhỏ lẻ khác như, Inditech - chuyên về loa Trung Quốc; công ty Điện tử công nghiệp (CDC) - giới thiệu TV Sharp, máy nghe nhạc iAudio và tai nghe Sennheiser; Câu lạc bộ âm thanh Hà Nội và Mạng nghe nhìn Việt Nam, mỗi đại diện có một gian nho nhỏ.
*Cái nhất tại triển lãm Nghe nhìn |
*Triển lãm Nghe Nhìn - đại gia vắng bóng |
*Ấn tượng triển lãm Nghe nhìn |
Mỗi đơn vị tham gia lần này đều có một phong cách riêng. Thế nhưng, triển lãm năm nay cho thấy hai xu hướng chơi âm thanh đang định hình: Chơi đồ hiệu (hi-end) và chơi đồ tự chế, với các đại diện là công ty Hoàng Hải; Thanh Tùng Audio và Mạng nghe nhìn Việt Nam; Câu lạc bộ âm thanh Hà Nội.
Cao cấp hay tự chế
![]() |
Hệ thống loa Avantgarde 6 Super Basshorn cao tới trần nhà. Ảnh: Hoàng Hà. |
Công ty Hoàng Hải mạnh dạn giới thiệu hệ thống Avantgarde 6 Super Basshorn trị giá 102.000 USD. Được mệnh danh là loa đắt nhất Việt Nam, 3 đôi loa họng kèn của hãng âm thanh Đức còn sở hữu luôn danh hiệu loa lớn nhất. Hệ thống 6 loa này này chiếm một phần ba diện tích phòng trưng bày của Hoàng Hải, và cao tới trần nhà, mỗi loa nặng tới 75 kg. Mỗi họng kèn bass sử dụng hai driver 12 inch và được "đánh" bởi một ampli số công suất 350 Watt.
Hệ thống âm thanh đi kèm cũng "hoành tráng" không kém: Đầu đọc Jadis Pro1 MK II (7.000 USD); pre-ampli Jadis JP 80MC (12.000 USD); ampli công suất Jadis 300B (7.800 USD); dây tín hiệu Kondo KSL LP (2.500 USD). Cả hệ thống âm thanh trên của công ty Hoàng Hải tính ra ngót ngét gần 200.000 USD. Mỗi khi hệ thống này cất tiếng, âm thanh trầm hùng âm vang cả căn phòng, nếu để volume lớn, có thể nó sẽ thổi bay cả người nghe.
![]() |
Phòng xem phim của Thanh Tùng Audio. Ảnh: B.V. |
Chiếm hai phòng nghe ở giữa sảnh là Thanh Tùng Audio, công ty chuyên cung cấp các thiết bị âm thanh của Kenwood, NAD, KEF, JBL. Không rầm rộ như Hoàng Hải, nhưng những thiết bị mà Thanh Tùng Audio mang tới triển lãm cũng đạt tới giá vài nghìn USD. Hệ thống mà anh Thanh Tùng, Giám đốc công ty, tâm đắc nhất là bộ loa KEF Reference 207 của Anh giá 12.000 USD. Đây là bộ loa toàn dải thuộc dòng cao cấp, mà tại Việt Nam chỉ có duy nhất một bộ. Mỗi loa to gồm 5 loa thành phần (2 bass, một trung, một trung trầm, một tép). Hỗ trợ cho hệ thống này là pre-ampli Audio Research 800 USD, ampli công suất monoblock VTL 175 (4.900 USD). Anh Tùng cho rằng, thực ra mức giá của những sản phẩm trên không phải là quá xa với những người chơi âm thanh cao cấp tại Hà Nội.
![]() |
Loa kèn tự làm của anh Phạm Thế Minh có đường kính gần 1 mét. Ảnh: B.V. |
Trở lại khu vực chính của triển lãm, xa rời thế giới của những hãng âm thanh cao cấp, đắt tiền, người xem lập tức bị cuốn hút bởi không khí náo nhiệt, thân thiện và tiếng nhạc sôi động từ quầy trưng bày nhỏ của Mạng Nghe nhìn Việt Nam (vnav.net), với những thiết bị cổ quái do các thành viên tự chế. Nổi bật nhất trong số đó là đôi loa kèn bằng nhôm màu trắng, đường kính gần một mét của anh Phạm Thế Minh, nhân viên công ty FPT, người có thâm niên gần 10 năm chơi đồ tự chế. Anh Minh vui vẻ cho biết đôi loa này được làm rất kỳ công. Để ghép được thành một họng kèn hoàn chỉnh, những tấm thép mua về phải mang cắt theo đúng thiết kế, rồi gò cong. Phức tạp hơn, để ghép những tấm thép vào với nhau cho hợp, anh phải giữ cho thợ hàn làm. Đôi loa khi đã hoàn thành có đường kính 75 cm và sâu 45 cm. Theo anh Minh, chi phí làm đôi loa này chưa tới một triệu đồng (chưa kể tiền mua driver), gồm 600.000 nghìn tiền nhôm, 300.000 tiền công hàn, còn công mình làm không tính.
![]() |
Ampli đèn "tận dụng" thùng đạn cũ của Mỹ. Ảnh: B.V. |
Ngoài đôi loa kèn trên, nếu tinh ý, người xem sẽ tìm thấy một sản phẩm khá cổ quái nằm khiêm tốn một góc phòng. Chiếc ampli đèn của họa sĩ Nguyễn Minh Tuấn có vỏ máy chế từ thùng đạn cũ của Mỹ và lắp đèn tiền khuyến 6H1Pi, 6H6Pi của Nga; đèn công suất GM 70 cũng của Nga. Một thành viên giấu tên của VNAV đánh giá, ampli đèn này có công suất 15 Watt/kênh, công suất này được coi là lớn so với các ampli lắp theo mạch single-end. Bản thân anh Tuấn cũng chẳng biết kinh phí sản xuất hết bao nhiêu, chỉ nhớ là cái vỏ máy mua được ở Văn Môn, khu bán đồ quân sự cũ, với giá 50.000 đồng. Anh phải gò, hàn, sơn, sửa mất mấy ngày mới thì nó mới có hình hài ngon nghẻ thế này.
![]() |
Đầu băng cối cổ của Câu lạc bộ âm thanh Hà Nội. Ảnh: B.V. |
Câu lạc bộ âm thanh Hà Nội nằm ở một góc triển lãm, cũng giới thiệu đồ tự chế, nhưng "hiền" hơn bởi những thiết bị mang tới trưng bày không nhiều. Đặc biệt nhất ở gian này là những đầu băng cối cổ. Chủ nhân của chiếc Revox G36, anh Sơn, tự hào cho biết những năm 70, ban nhạc Beatles đã ghi âm đĩa hát bằng đầu băng cối hiệu này. Revox G36 của Thụy Sĩ, chạy đèn điện tử và nó là sản phẩm cổ nhất còn tồn tại cho tới ngày nay.
Thanh Vân