Sáng sớm cuối tháng 11, vườn sầu riêng 4.000 m2 ở xã Phú Quý, thị xã Cai Lậy, vang tiếng "lọc cọc" xen lẫn tiếng cười nói của nhân công thu hoạch. Phía trên cây, Đặng Quốc Tấn, 28 tuổi, dùng cán dao gõ xung quanh quả sầu riêng, rồi dùng dao cắt ở phần cuống. Quả già rơi xuống được một người khác đứng phía dưới dùng giỏ nhựa hứng bắt.
Tiền Giang là "thủ phủ" sầu riêng ở miền Tây với diện tích 18.000 ha, tại các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành và thị xã Cai Lậy. Hiện có 10.000 ha đã cho trái với năng suất trung bình đạt 26,4 tấn một ha. Nhà vườn ở đây đang vào mùa thu hoạch sầu riêng nghịch vụ kéo dài đến tháng 1 năm sau, sản lượng khoảng 200.000 tấn. Sầu riêng Monthong được thương lái vào tận vườn thu mua với giá từ 130.000-145.000 đồng một ký.
Sau khoảng 4 giờ, Tấn cùng nhóm 5-6 người thu hoạch xong gần 4 tấn sầu riêng chín. Dù có găng bảo vệ, hai bàn tay thanh niên này vẫn chi chít vết sẹo do gai đâm sau nhiều năm. Hai cánh tay, cẳng chân không được bảo vệ bị gai cào rách da nhiều chỗ.
4 năm trước, Tấn là tài xế xe tải chở sầu riêng cho thương lái. Nhiều lần tiếp xúc nhóm thợ hái sầu riêng có thu nhập cao, anh xin đi theo học hỏi. Ban đầu, những người học việc như Tấn được giao nhiệm vụ đứng dưới gốc dùng giỏ hứng quả. Thợ cắt sẽ từng bước chỉ dẫn cho họ cách phân biệt sầu riêng chín, già và non dựa theo âm thanh khi gõ vào vỏ.
"Quả chín vỏ khô teo lại, bên trong ruột có các khoảng rỗng nên khi gõ vào phát ra tiếng lọc cọc, vang xa. Ngược lại, quả non ruột đặc nên tiếng kêu lộp bộp", Tấn nói và cho biết thợ cắt còn phân biệt sầu riêng chín qua vỏ vàng hay xanh, chân gai, đầu gai khô lại và sẫm màu, cổ cuống nở cũng như một số đặc điểm đặc thù của từng loại sầu riêng.
Thông thường, đơn vị thu mua sẽ ra hạn mức cho phép mỗi tấn sầu riêng có 30-50 kg chất lượng thấp, không chấp nhận trái non. Tuy nhiên, nhiều thợ mới vào nghề chưa có kinh nghiệm thường cắt nhầm sầu riêng non nên phải bồi thường. "Phải mất khoảng 2 năm mới có thể thành thợ cắt sầu riêng chuyên nghiệp", Tấn nói, cho biết ngoài là thợ cắt, anh hiện còn thu mua nhỏ lẻ sầu riêng tại vườn, mỗi ngày khoảng 4-7 tấn bán lại cho các kho.
Theo anh Tấn, mỗi vườn sầu riêng đến mùa sẽ chia làm 2 đợt thu hoạch, mỗi đợt cách nhau khoảng một tuần. Ngoài chính vụ, diện tích sầu riêng nghịch vụ cũng tăng nhanh, nên hầu như thợ cắt có công việc quanh năm. Khi hết vụ sầu riêng ở Tiền Giang, sau Tết Nguyên đán họ sẽ tiếp tục hoạt động tại khu vực Cần Thơ, Sóc Trăng, cuối vụ sẽ đến Đăk Lăk, Lâm Đồng.
Dù ở các vùng khác vẫn có thợ cắt, song cao điểm sầu riêng có giá cao, khi đi thu mua thương lái thường đưa theo đội thợ cắt địa phương là các anh em làm chung đã lâu năm. "Với giá 130.000 đồng một ký, một quả sầu riêng 5-6 kg tính ra cũng 600.000-800.000 đồng nên thương lái vẫn dùng thợ quen do tin tưởng", anh Tấn nói.
Với thâm niên hơn 9 năm, thợ cắt sầu riêng Nguyễn Tấn Mỹ, 26 tuổi, quê xã Hội Xuân, cho biết diện tích sầu riêng ở miền Đông lớn, mỗi ngày có thể thu hoạch hàng trăm tấn nên thợ sẽ cắt tính tiền công theo ký. Tùy thu hoạch tại chỗ hay vận chuyển đến kho, tiền công mỗi ký từ 1.500 đồng đến 3.000 đồng và thợ sẽ phải bồi thường toàn bộ số lượng sầu riêng lỡ cắt non.
Nếu cây không quá cao, mỗi ngày một thợ lâu năm như anh Mỹ có thể cắt tối đa khoảng 10 tấn sầu riêng. Ngược lại, ở miền Tây sản lượng sầu riêng ít hơn, thợ thường tính theo công ngày, với mức 1-1,5 triệu đồng.
Do mức tiền công khá hấp dẫn, nhiều thanh niên trong vùng là thợ cắt tỉa cây cảnh cũng bắt đầu chuyển sang học nghề cắt sầu riêng. Nhưng với những thợ cắt lành nghề như anh Mỹ, công việc này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Một tuần trước, khi đang trèo cây ở độ cao khoảng 3 m, anh hụt chân nhưng may mắn rơi trúng xuống cành cây, nên chỉ bị xây xát nhẹ.
"Năm ngoái, một thành viên trong nhóm đứng khuất trong tán lá, thợ cắt phía trên không thấy nên ném quả sầu riêng rơi trúng mặt, phải khâu gần 10 mũi", anh Mỹ kể.
Hoàng Nam