"Trong tình trạng hiện nay, quân đội Mỹ chỉ có thể đáp ứng một cách hạn chế yêu cầu bảo vệ các lợi ích quốc gia cốt yếu", Quỹ Di sản, tổ chức tư vấn hàng đầu thế giới về nghiên cứu chiến lược độc lập, cho biết trong báo cáo "Chỉ số Sức mạnh Quân sự Mỹ" công bố tuần trước.
Quỹ Di sản đề ra 5 cấp độ sức mạnh cho quân đội Mỹ gồm: rất yếu, yếu, trung bình, mạnh và rất mạnh. Lục quân, không quân và thủy quân lục chiến đạt chỉ số trung bình, trong khi hải quân bị đánh giá là "yếu". Cấp độ này được đưa ra dựa trên dữ liệu về số lượng tàu chiến trong biên chế hải quân Mỹ, tuổi đời của chúng cũng như thời gian cần để đóng tàu chiến mới thay thế.
"Cần 5 năm để đóng một tàu sân bay, hai năm cho các loại tàu chiến nhỏ hơn. Hải quân hiện có khoảng 300 tàu, hơn nửa trong đó đã trên 20 năm tuổi. Chỉ có khoảng 100 chiếc đạt khả năng sẵn sàng chiến đấu vào mọi thời điểm, trong đó 60 tàu đang triển khai ở Tây Thái Bình Dương, đồng nghĩa với 60 tàu chiến Mỹ phải đối đầu với lực lượng 350-400 chiến hạm Trung Quốc trong vài năm tới", tướng về hưu Dakota Wood, thành viên nhóm xây dựng báo cáo, cho hay.
Tài liệu cũng cho rằng quân đội Mỹ đang thiếu hụt ngân sách, bất chấp các khoản chi tiêu quốc phòng kỷ lục vài năm qua, và cần bổ sung lượng lớn binh sĩ, máy bay, tàu chiến và khí tài công nghệ cao nếu muốn sẵn sàng cho những cuộc chiến dài hạn với các "kình địch" như Nga và Trung Quốc.
Quỹ Di sản đưa ra đánh giá dựa trên "năng lực tham chiến và đánh bại hai đối thủ ngang hàng cùng lúc của lực lượng vũ trang Mỹ", kết luận quân đội nước này chỉ có thể đối phó được một đối thủ lớn vào thời điểm bất kỳ.
"Quy mô quân đội Mỹ hiện chỉ đạt hai phần ba mức yêu cầu trong kịch bản đối đầu hai cường quốc cùng lúc. Tất cả đều xoay quanh vấn đề tiền. Chúng ta đã đầu tư quá ít trong những năm qua", tướng Wood nói.
Lầu Năm Góc hồi tháng 9 gửi báo cáo về sức mạnh quân sự Trung Quốc cho quốc hội Mỹ, trong đó thừa nhận Bắc Kinh đang sở hữu lực lượng hải quân lớn nhất thế giới với khoảng 350 tàu chiến và tàu ngầm, trong đó gồm hơn 130 chiến hạm mặt nước cỡ lớn.
Quỹ Di sản kêu gọi xây dựng hạm đội chiến đấu gồm 400 tàu cho hải quân Mỹ, gần giống những khuyến cáo của cựu bộ trưởng quốc phòng Mark Esper trong tài liệu "Lực lượng Chiến đấu 2045".
Báo cáo cũng đề cập những yếu tố có thể gây khó khăn trong nỗ lực tăng cường ngân sách quốc phòng như "thiếu vắng dấu hiệu về nguy cơ đối đầu giữa các nước lớn, cũng như các lợi ích chồng chéo có xu hướng khiến Mỹ ưu tiên đầu tư cho các chương trình nội địa thay vì quốc phòng".
Lầu Năm Góc từng đề xuất tăng ngân sách quốc phòng thêm 3-5% trong những năm tới để đáp ứng sự chuyển dịch từ các cuộc chiến chống phiến quân sang nguy cơ cạnh tranh giữa những cường quốc. Tuy nhiên, các nhà lập pháp lưỡng đảng đều cảnh báo cắt giảm ngân sách trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây nhiều khó khăn kinh tế.
Vũ Anh (Theo Military Times)