Ngoại trưởng được Trump tín nhiệm
Khi còn là giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA), Pompeo cùng cựu trưởng đại diện CIA tại Seoul Andrew Kim dẫn đầu những nỗ lực của Mỹ trong vấn đề Triều Tiên, theo Nikkei.
Rất ít người có thể phủ nhận rằng Ngoại trưởng Mỹ đóng một vai trò quan trọng trong việc đưa tới hội nghị thượng đỉnh chưa từng có giữa Mỹ và Triều Tiên. Sau khi hội nghị được lên kế hoạch, Pompeo có chuyến thăm Bình Nhưỡng và gặp gỡ lãnh đạo Kim Jong-un cùng Kim Yong-chol. Chuyến thăm thứ hai của ông diễn ra vào tháng 5 sau khi Mỹ và Triều Tiên đạt khung thỏa thuận về phi hạt nhân hóa, trong đó Bình Nhưỡng sẽ từ bỏ chương trình hạt nhân để đổi lại đảm bảo an ninh bằng cách thiết lập quan hệ ngoại giao với Washington.
Tuy nhiên sau đó, Phó Tổng thống Mike Pence và Cố vấn An ninh quốc gia John Bolton đều đề cập mô hình phi hạt nhân hóa của Libya như một tham chiếu cho Triều Tiên, gây ra phản ứng giận dữ từ Bình Nhưỡng. Libya từ bỏ toàn bộ chương trình hạt nhân và đưa các thiết bị hạt nhân tới Mỹ để thiết lập quan hệ ngoại giao. Dù vậy, lãnh đạo Libya đã bị lực lượng nổi dậy được Mỹ ủng hộ giết chết 8 năm sau đó.
Sau một số bình luận gay gắt từ Bình Nhưỡng, Trump tuyên bố hủy bỏ hội nghị thượng đỉnh do "sự thù địch rõ ràng". Tuy nhiên, hội nghị vẫn được tiếp tục sau khi Bình Nhưỡng cho biết sẵn sàng đối thoại với Washington và Kim Yong-chol tới Mỹ để đệ trình bức thư của Kim Jong-un.
Trong quá trình này, Pompeo được xem là người đóng vai trò trung gian, khéo leo duy trì sự liên lạc giữa hai bên. Dù từng giữ lập trường cứng rắn về Triều Tiên khi còn là giám đốc CIA, Pompeo đã thể hiện một thái độ linh hoạt trong quá trình dẫn đến hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim. CNN cho biết Pompeo đã có một "cuộc đối đầu giận dữ" với Bolton tại Nhà Trắng sau khi cố vấn an ninh quốc gia đề cập đến mô hình Libya.
Kim Jong-un từng ca ngợi Pompeo vì "có cùng sự gan góc" như ông, thừa nhận sự táo bạo và kỹ năng đàm phán của ngoại trưởng Mỹ. Pompeo đã thành công trong việc đưa tới hội nghị lịch sử, làm dịu đi những lo ngại rằng ông không phù hợp với công việc này.
Trump cũng từng dành những mỹ từ để nói về vai trò của Pompeo tại Nhà Trắng. "Tôi đã làm việc với Mike Pompeo một thời gian khá dài. Đó là một con người có năng lượng và trí tuệ to lớn", Trump nói với các phóng viên hồi tháng ba. Pompeo tốt nghiệp Học viện Quân sự tại West Point và sau đó theo học luật tại Đại học Harvard.
"Cánh tay phải" của Kim Jong-un
Trong khi đó, Kim Yong-chol từ lâu được biết đến là một người có lập trường cứng rắn đối với cả Mỹ và Hàn Quốc, đến mức Washington đã đưa Kim vào danh sách đen và cấm đến Mỹ. Tuy nhiên, tuần trước, Washington đã hủy bỏ lệnh cấm để Kim hoàn thành sứ mệnh ngoại giao của mình.
Trong năm nay, Kim Yong-chol, người được xem là "cánh tay phải" của Kim Jong-un, đóng vai trò quan trọng trong quan hệ liên Triều và chiến thuật ngoại giao của Triều Tiên. Ông tham dự toàn bộ hội nghị thượng đỉnh của Kim Jong-un với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
"Do phi hạt nhân hóa là vấn đề cốt lõi trong các cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều và Trung - Triều, Kim Jong-un luôn để KimYong-chol ở bên cạnh vì ông có nhiều hiểu biết về vấn đề hạt nhân và quân sự", giáo sư Cheong Seong-chang của Viện Sejong Hàn Quốc nhận định.
Trong chuyến thăm New York và Washington, Kim Yong-chol đã lần thứ ba gặp Pompeo và cuộc gặp này được đánh giá là nền tảng cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều được tiếp tục. Một quan chức Hàn Quốc cho biết, Kim Yong-chol hiện là một trong những người quyền lực nhất ở Triều Tiên.
Sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Pompeo, ông tới Washington gặp Trump ở Nhà Trắng và trao cho tổng thống Mỹ bức thư từ lãnh đạo Triều Tiên. Ông là quan chức Triều Tiên cấp cao nhất đến Mỹ trong vòng 18 năm trở lại đây.
Sau khi Kim Yong-chol từ Mỹ trở về, Bình Nhưỡng và Washington tích cực thúc đẩy nhanh chóng công tác chuẩn bị cuối cùng cho hội nghị thượng đỉnh dự kiến diễn ra vào ngày 12/6 tại Singapore, một minh chứng cho thấy chuyến đi của Kim đã đạt thành công nhất định.
Huyền Lê