Tàu chiến, máy bay và lực lượng hải quân của nhóm "Bộ Tứ" gồm Mỹ, Nhật, Ấn Độ và Australia ngày 3/11 bắt đầu cuộc diễn tập Malabar lần thứ 24, kéo dài 4 ngày trên Vịnh Bengal, ngoài khơi Ấn Độ.
Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2007 Australia cử lực lượng hải quân tham gia Malabar, đợt diễn tập chiến lược do Ấn Độ đăng cai tổ chức, thường chỉ với sự tham gia của Mỹ và Nhật Bản. Đợt diễn tập hàng năm này nhằm tăng cường khả năng phối hợp, hiệp đồng giữa các nước tham gia.
"Cuộc diễn tập Malabar là cơ hội quan trọng để hợp tác với các quốc gia cùng chí hướng, nhằm hỗ trợ khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương an toàn, rộng mở và hòa nhập", Bộ trưởng Quốc phòng Australia Linda Reynolds nói.
Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS John S. McCain của Mỹ, JS Onami của Nhật đã góp mặt trong cuộc tập trận lần này, bên cạnh HMAS Ballarat của hải quân Australia, tàu Shakti của hải quân Ấn Độ, cùng nhiều tàu và máy bay chiến đấu khác.
"Ấn Độ, Nhật Bản và Australia là các đối tác chiến lược nòng cốt của chúng tôi ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Việc hải quân của chúng tôi tham gia một cuộc tập trận cao cấp và phù hợp về mặt chiến thuật như Malabar là điều hoàn toàn đúng đắn. Đây cũng là cơ hội để tăng cường năng lực tổng hợp và nâng cao quan hệ đối tác của chúng tôi", đại tá Steven DeMoss, chỉ huy Hải đội Khu trục hạm 15 của Mỹ, nói.
Cuộc diễn tập năm nay gồm nhiều khoa mục huấn luyện chống ngầm và phòng thủ. Cuộc diễn tập cũng "thể hiện mức độ hiệp đồng và phối hợp giữa các lực lượng hải quân dựa trên các giá trị chung", theo hải quân Ấn Độ.
Cuộc diễn tập thường niên Malabar năm nay chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn sau dự kiến tổ chức vào giữa tháng này trên biển Arab.
Malabar 2020 diễn ra trong lúc quan hệ Mỹ - Trung căng thẳng vì Covid-19, chiến tranh thương mại, vấn đề Hong Kong và Đài Loan. Quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản cũng suy giảm vì tranh chấp chủ quyền nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư, gần đây tiếp tục nghiêm trọng khi Tokyo coi hoạt động quân sự ngày càng tăng của Bắc Kinh là một mối "đe dọa an ninh". Quan hệ Ấn Độ - Trung Quốc cũng căng thẳng vì tranh chấp biên giới trên dãy Himalaya.
Thanh Tâm (Theo AFP, CPF)