Nội dung vừa được Sở Văn hoá và Thể thao gửi Sở Giao thông Vận tải, để tham mưu chính quyền thành phố bảo tồn cầu đường sắt Bình Lợi.
Theo đó, phương án một sẽ tu bổ, phục hồi hai nhịp cầu (vệ sinh, sơn chống gỉ, thay các thanh gối đường ray...) cùng một tháp canh với kinh phí gần 13 tỷ đồng. Việc này giúp công trình được tu bổ kịp thời, nhưng khó thi công, do không có công trình phụ trợ nên sẽ không bảo vệ được công trình...
Phương án hai cầu sẽ được bảo tồn toàn bộ sau khi được bàn giao. Cách này phù hợp quy định, có thể xây dựng đường dẫn, công trình phụ trợ, dự trù kinh phí... Sau khi tu bổ, phục hồi, công trình cũng phát huy được các giá trị.

Cầu Bình Lợi (màu trắng) khi chưa tháo dỡ, năm 2018. Ảnh: Như Quỳnh
Cầu sắt Bình Lợi cũ được đánh giá có giá trị lịch sử, văn hóa gắn với quá trình hình thành, phát triển của TP HCM và đường sắt Việt Nam. Công trình hiện đủ tiêu chí xếp hạng di tích, tuy nhiên cần có đề nghị từ phía cơ quan sở hữu. Do vậy, sau khi Bộ Giao thông Vận tải bàn giao cho TP HCM quản lý, các phương án bảo tồn tổng thể sẽ tiếp tục được Sở Văn hoá và Thể thao tham mưu, đề xuất.
Cầu sắt Bình Lợi cũ bắc qua sông Sài Gòn, nối TP Thủ Đức qua quận Bình Thạnh, đưa vào khai thác năm 1902 - là cầu sắt vượt sông Sài Gòn đầu tiên do một công ty của Pháp xây dựng. Công trình dài 276 m với 6 nhịp, có kết cấu vòm thép, mặt gỗ và đường ray xe lửa chạy qua. Bên phải đường ray gần chân cầu theo hướng từ TP Thủ Thủ Đức qua quận Bình Thạnh có một tháp canh, trên vách có dòng chữ nổi "Binh Loi Octobre 1948".
Sau hơn 100 năm khai thác, cầu xuống cấp nghiêm trọng, chiều cao thông thuyền hạn chế, ảnh hưởng tàu thuyền đi qua. Tháng 4/2015, cầu đường sắt Bình Lợi mới được xây dựng và cải tạo nâng cấp luồng sông Sài Gòn từ cầu Bình Lợi đến cảng Bến Súc (Bình Dương). Cầu mới được xây cách cầu cũ 12 m về phía hạ lưu, khai thác từ năm 2019. Các nhịp cầu sắt cũ được tháo dỡ, chỉ hai nhịp được giữ lại.
Gia Minh