Kế hoạch đầu tư được HĐND TP Hải Phòng khóa XVI, kỳ họp thứ 19 hồi tháng 10 thông qua. Trong đó có 5.533 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương và hơn 86.887 tỷ đồng từ ngân sách thành phố.
Theo kế hoạch, thành phố sẽ phân bổ cho một số dự án quan trọng như: Dự án xây dựng tuyến đường và cầu Tân Vũ - Lạch Huyện 2 với tổng mức đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng; Dự án phát triển thành phố thích ứng với biến đổi khí hậu có tổng mức vốn đầu tư hơn 9.857 tỷ đồng; Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua địa bàn Hải Phòng có tổng vốn đầu tư hơn 3.896 tỷ đồng.
55 dự án khác của thành phố cũng sẽ được phân bổ hơn 61.625 tỷ đồng, gồm 25 dự án thực hiện từ giai đoạn trước chuyển tiếp sang giai đoạn 2026-2030 và 30 dự án dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2026-2030.
UBND TP Hải Phòng cho biết, so với giai đoạn 2021-2025, giai đoạn 2026- 2030 tăng 28,71% về số vốn và giảm 80,63% về số dự án. Điều này cho thấy định hướng đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung mũi nhọn vào một số định hướng lớn của thành phố. Các dự án dự kiến thực hiện giai đoạn 2026-2030 đều bám sát yêu cầu, mục tiêu phát triển của thành phố theo định hướng Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị.
Hải Phòng đã có 9 năm liên tiếp duy trì tăng trưởng hai con số. Từ khi có nghị quyết 45 của Bộ Chính trị, giai đoạn 2019-2023, tăng trưởng kinh tế bình quân của thành phố đạt 12,6% mỗi năm, gấp 2,44 lần bình quân chung cả nước (5,16% mỗi năm), gấp 1,74 lần giai đoạn 2014-2018.
Quy mô kinh tế của Hải Phòng không ngừng được mở rộng, duy trì vị trí thứ hai vùng đồng bằng sông Hồng, GRDP bình quân đầu người năm 2023 đạt 7.960 USD, gấp 1,83 lần 2018, bằng 1,87 lần so với cả nước. Thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2023 của Hải Phòng tăng trưởng bình quân 7,3%/năm, gấp 1,67 lần bình quân chung cả nước.
Lê Tân