Nhật Bản tổ chức các cuộc diễn tập sơ tán đề phòng tình huống bị kẻ thù tấn công. Nguồn: ANN.
Nếu căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên leo thang thành một cuộc chiến tranh thì số lượng người thương vong sẽ đạt mức kỷ lục kể từ sau Thế chiến Thứ hai, theo South China Morning Post. Và hai quốc gia láng giềng Nhật Bản và Hàn Quốc chắc chắn sẽ trở thành những mục tiêu đầu tiên nằm trong tầm ngắm của đạn pháo và tên lửa từ Bình Nhưỡng.
Triều Tiên đã nhiều lần đe dọa, chỉ cần nhà lãnh đạo Kim Jong-un ra lệnh, thủ đô Seoul, Hàn Quốc, cách khu vực phi quân sự giữa hai miền khoảng 40 km, sẽ biến thành "biển lửa" hay "đống tro tàn" trong tích tắc.
Sau khi Triều Tiên tuyên bố phóng thử thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa đầu tiên hôm 4/7, chính quyền Mỹ ngay lập tức lên tiếng sẵn sàng đáp trả bằng vũ lực do lo ngại tầm bắn của tên lửa có thể chạm tới Alaska và Hawaii và thậm chí các bang ở tận vùng tây bắc Mỹ.
Trong khi đó, Hàn Quốc dường như đã quen với những hành động đe dọa của Bình Nhưỡng tới mức người dân không có phản ứng gì trước hàng loạt các vụ thử nghiệm tên lửa liên tiếp kể từ đầu năm đến nay.
"Lần nào cũng thế, chẳng có gì xảy ra sau khi (Triều Tiên khiêu khích). Do vậy, giờ tôi quen rồi. Tôi luôn tự nhủ sẽ không có chuyện gì xảy ra đâu", bà nội trợ 30 tuổi Suh Yeon-ju nói.
Theo thống kê, Hàn Quốc có gần 19.000 hầm tránh bom trên khắp cả nước, bao gồm 3.200 căn hầm ở Seoul. Nhưng hầu hết người dân Hàn Quốc đều không biết về sự tồn tại của những hầm trú ẩn này.
"Tôi chưa bao giờ nhìn thấy bất cứ tấm biển chỉ dẫn nào đề chữ 'hầm trú ẩn' dù tôi lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm ở đất Seoul này rồi", sinh viên đại học Chung Yoon-jin cho biết.
Đa số các hầm trú ẩn nằm ở ga tàu điện ngầm hay tầng hầm của các tòa nhà, trung tâm thương mại, khu chung cư và bãi đỗ xe công cộng, theo Reuters, nhưng chúng không được thiết kế để đủ khả năng chống đỡ các vụ tấn công bằng vũ khí hạt nhân, hóa học hoặc sinh học.
Một hầm trú bom công cộng nằm giữa thủ đô Seoul được xây dựng dưới một bãi đỗ xe và chỉ cách một cơ quan chính phủ chỉ vài bước chân nhưng những người làm việc xung quanh khu này đều không hay biết gì về sự tồn tại của nó. Nhân viên bảo vệ bãi trông xe cho biết thấy tấm biển chỉ dẫn về hầm trú ẩn từ năm ngoái nhưng chưa bao giờ tìm hiểu kỹ hơn.
Reuters dẫn lời chính quyền thành phố Seoul cho biết vì thiếu kinh phí, hầu hết các hầm trú ẩn đều không có thức ăn và nước uống dự trữ, cũng như không có đồ sơ cứu hay mặt nạ phòng độc.
Ở thủ đô Tokyo, Nhật Bản, với dân số 13,5 triệu người, tình hình cũng tương tự. Hệ thống hầm tránh bom được xây dựng trong Thế chiến II vẫn tồn tại nhưng hiện nay gần như bị bỏ hoang, theo một quan chức làm việc tại cơ quan ngăn chăn thảm họa của chính quyền thành phố.
"Vì chúng ta vẫn chưa biết chính xác mức độ tàn phá của tên lửa Triều Tiên nên cần thời gian để đưa ra một phương án thiết kế hầm tránh bom thích hợp", quan chức này cho biết hiện tại Tokyo vẫn chưa có kế hoạch xây hầm mới hoặc cải tạo hệ thống hầm cũ.
Dù chính quyền Seoul đã nỗ lực phân phát hàng chục nghìn chiếc quạt giấy in thông tin liên quan đến hầm tránh bom, thậm chí còn tính đến in thêm tờ rơi và nhãn dãn để nâng cao nhận thức của người dân, Shin Ji-ha, sinh viên đại học 24 tuổi, cũng giống như nhiều người dân Seoul khác, thú thật rằng cô không biết về vị trí của hầm trú ẩn và biết hay không cũng chẳng quan trọng.
"Tôi sẽ chết trong vòng chưa đến một giây (nếu chiến tranh hai miền nổ ra). Cái chết sẽ đến một cách không đau đớn nên tôi cũng chẳng buồn quan tâm lắm", cô sinh viên bày tỏ.
An Hồng