"Có tên lửa. Dường như một quả tên lửa vừa rời khỏi bệ phóng. Hãy sơ tán đến những tòa nhà kiên cố hoặc chỗ trú ẩn dưới lòng đất". Tiếng còi hụ báo động vang lên phá tan sự yên tĩnh và thanh bình của thành phố Sakata, phía bắc Nhật Bản. Lũ trẻ đang cười đùa ở sân trường bỗng im bặt, người dân dừng mọi hoạt động để nghe thông báo phát ra từ những chiếc loa phóng thanh công suất lớn.
Sáng 9/6, hơn 400 cư dân Sakata, đã tham gia cuộc diễn tập sơ tán, phòng trường hợp Triều Tiên tấn công tên lửa. Tất cả chỉ có chưa đầy 10 phút để đến nơi trú ẩn. Trong khi người già xếp hàng đổ vào nhà văn hóa cộng đồng được xây dựng bằng bê-tông vững chãi thì lũ trẻ đang chơi ngoài trời nhanh chóng nằm rạp xuống đất và lấy tay che đầu.
Thành phố nhỏ Sakta, có dân số 100.000 người, nằm ven biển phía tây bắc Nhật Bản, cách địa điểm Triều Tiên tiến hành vụ phóng thử tên lửa gần đây nhất hơn 1.000 km.
Tháng trước, Triều Tiên đã phóng một quả tên lửa đạn đạo có tầm bay kỹ thuật 2.800 dặm (khoảng 4.500 km), dễ dàng biến toàn bộ lãnh thổ Nhật Bản và đảo Guam của Mỹ thành mục tiêu tấn công.
"Sakata nằm sát biển Nhật Bản. Vì vậy, điều quan trọng là người dân phải biết tự bảo vệ trong trường hợp tên lửa của Triều Tiên tiến đến", thị trưởng Itaru Maruyama nói. "Chúng tôi diễn tập ứng phó với thảm họa thiên nhiên nhiều lần rồi nhưng với tên lửa thì chưa bao giờ".
Vào tháng 4, lần đầu tiên kể từ sau Thế chiến II, Nhật Bản hướng dẫn công dân sơ tán khi bị kẻ thù tấn công.
"Trước đây, tôi cảm thấy, những vụ thử tên lửa kiểu này không liên quan gì đến mình. Nhưng gần đây, Triều Tiên đẩy nhanh tần suất các vụ phóng tên lửa nên tôi không còn cảm thấy đó là vấn đề xa xôi và cuộc diễn tập như ngày hôm nay là rất cần thiết", một cư dân địa phương chia sẻ
"Nhờ cuộc diễn tập, chúng tôi sẽ được chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống xấu", ông Mitsuharu Suzuki, 63 tuổi, nhớ lại năm 1973, chính quyền Sakata phát hiện ba gián điệp Triều Tiên vào Nhật bằng đường biển.
"Nằm đối diện với Triều Tiên vì vậy chúng tôi luôn cảm nhận thấy sự căng thẳng", ông Suzuiki nói.
Ông Shizuka Yamashina, 75 tuổi, một nông dân về hưu, cho biết căng thẳng với Triều Tiên đang ở mức tồi tệ nhất từ trước tới nay.
"Tôi nghe nói Triều Tiên muốn thiêu rụi Nhật Bản bởi vì chúng tôi là đồng minh của Mỹ", ông Yamashina vừa giãi bày vừa ngồi câu cá cùng bạn ở ngoài bến tàu, "Tôi hy vọng chúng ta có thể đối thoại với Triều Tiên và khiến tình hình bớt căng thẳng. Như thế còn hơn là dùng đến vũ lực".
"Tôi thực sự sợ bởi vì chúng ta không biết những quả tên lửa sẽ rơi trúng vào đâu?", ông Kiyoshi Sugimoto, thợ đánh bắt cá xa bờ, tỏ ra lo lắng. "Chúng tôi nên làm gì đây? Chúng tôi đâu thể chạy trốn".
"Điều tôi lo ngại là cuộc diễn tập này chưa bao gồm cách thức bảo vệ trước vũ khí hạt nhân hoặc tên lửa có gắn đầu đạn vũ khí hóa học. Do vậy, chúng tôi tự hỏi sẽ làm gì nếu vũ khí hạt nhân hay hóa học được sử dụng. Hiện vẫn chưa có câu trả lời. Chúng tôi muốn nhà chức trách giải thích rõ ràng, cụ thể cần phải làm gì trong trường hợp đó", một người khác nói.
An Hồng