"Bất kỳ hành động can thiệp quân sự nào vào Niger cũng đồng nghĩa tuyên chiến với Burkina Faso và Mali", chính phủ Burkina Faso và Mali ra thông báo chung ngày 31/7. "Những hậu quả thảm khốc từ động thái đó có thể khiến toàn bộ khu vực bất ổn".
Cảnh báo được đưa ra sau khi các lãnh đạo Cộng đồng Kinh tế Các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) ngày 30/7 họp khẩn, yêu cầu Niger khôi phục quyền lực cho tổng thống bị lật đổ Mohamed Bazoum trong vòng một tuần. Quá hạn chót này, ECOWAS sẽ sử dụng "mọi biện pháp", bao gồm cả vũ lực, để khôi phục trật tự hiến pháp tại Niger.
Lực lượng cận vệ tổng thống Niger ngày 26/7 đã bắt và quản thúc ông Bazoum tại dinh thự. Quân đội Niger sau đó tuyên bố trung thành với đội cận vệ "để tránh xung đột trong lực lượng vũ trang". Tướng Abdourahamane Tchiani, chỉ huy lực lượng cận vệ, được chọn làm tân lãnh đạo chính quyền quân sự thay ông Bazoum.
ECOWAS còn quyết định áp trừng phạt tài chính lên Niger và chính quyền quân sự nước này, đóng băng "mọi giao dịch thương mại và tài chính" giữa các nước thành viên và Niamey. Tuy nhiên, Burkina Faso và Mali tuyên bố "từ chối thực hiện những lệnh trừng phạt phi pháp, phi nhân đạo nhằm vào người dân và giới chức Niger".
Guinea, cũng từng xảy ra đảo chính năm 2021, cũng bày tỏ "bất bình với các động thái của ECOWAS, bao gồm ý định can thiệp quân sự" vào Niger. Guinea "quyết định không thực hiện các lệnh trừng phạt được cho là phi pháp và phi nhân đạo", kêu gọi ECOWAS "xem lại lập trường".
Niger là quốc gia không giáp biển với diện tích gần 1,3 triệu km2, trong đó khoảng 80% nằm trong sa mạc Sahara. Nước này có dân số khoảng 25,4 triệu người, hầu hết theo đạo Hồi, sống tập trung ở miền nam và miền tây. Đây cũng là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, thường xếp hạng cuối cùng về Chỉ số Phát triển Con người của Liên Hợp Quốc.
Niger là đối tác chính của Pháp và Mỹ trong đối phó với phiến quân Hồi giáo cực đoan tại vùng Sahel ở Tây và Trung Phi, ngăn chặn tình trạng di cư bất hợp pháp từ khu vực châu Phi cận Sahara. Liên minh châu Âu (EU) có một nhóm nhỏ binh sĩ làm nhiệm vụ huấn luyện quân sự ở Niger.
Pháp, Mỹ và EU đều lên án cuộc đảo chính ở Niger. EU tuyên bố không công nhận phe đảo chính, đình chỉ hỗ trợ tài chính và hợp tác an ninh với Niger. Chính quyền quân sự Niger ngày 31/8 nói Pháp định can thiệp quân sự để giải cứu ông Bazoum, nhưng Paris bác bỏ cáo buộc.
Niger là quốc gia thứ ba ở vùng Sahel rung chuyển vì đảo chính quân sự trong vòng ba năm qua, sau Mali và Burkina Faso.
Như Tâm (Theo AFP)